Giấc mơ taxi bay ở Đông Nam Á
Những chiếc máy bay chạy bằng điện đang được kỳ vọng không chỉ giúp giảm bớt áp lực giao thông ở các siêu đô thị của Đông Nam Á mà còn tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế đầy tiềm năng.
Taxi bay chỉ là một phần trong cuộc cách mạng di chuyển hàng không trong đô thị (UAM) mà nhiều nước đang theo đuổi. UAM giờ không còn giới hạn ở việc di chuyển bằng trực thăng truyền thống, vào thời điểm hiện tại, nhắc tới nó, phần đông sẽ nghĩ đến những chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL) và các máy bay không người lái (UAV). Sở hữu những chiếc eVTOL chở dưới 10 người đang là mục tiêu trong cuộc đua của các hãng hàng không, công ty bay dịch vụ ở Đông Nam Á.
Cuộc đua bắt đầu
Capital A, công ty mẹ của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia), đang thực hiện những bước đi đầu tiên để biến taxi bay thành phương tiện quen thuộc với người dân. Theo báo Nikkei Asia, tháng 2-2022 AirAsia ký biên bản ghi nhớ thuê tối thiểu 100 eVTOL VX4 từ Công ty Avolon có trụ sở tại Ireland. Theo lộ trình dự kiến, những chiếc VX4 đầu tiên sẽ đến Malaysia năm 2025.
Trong giai đoạn đầu AirAsia muốn khai thác taxi bay cho đường bay từ Kuala Lumpur đến sân bay quốc tế cùng tên, giúp giảm thời gian di chuyển từ 1 giờ xuống còn 17 phút. Giá vé ước tính dưới 50 USD/người nếu đi chung nhóm 4 người.
Tại quốc gia láng giềng Indonesia, Prestige Aviation - hãng hàng không tự nhận là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông vận tải bền vững - cũng đang ráo riết chuẩn bị sân bãi để tiếp nhận 100 trực thăng điện từ Trung Quốc. Công ty này vừa ký đơn đặt hàng trước 100 chiếc taxi bay EH216 của Hãng EHang (Trung Quốc) hôm 9-4 sau khi mua thử một chiếc để nghiên cứu và bay trình diễn. Đây là đơn hàng lớn nhất EHang nhận được từ một đối tác châu Á.
Theo trang autoevolution.com, EH216 thuộc loại máy bay tự hành chạy điện có 2 chỗ ngồi, có thể bay tối đa 35km cho mỗi lần sạc với vận tốc khoảng 130km/h và trần bay (độ bay cao lớn nhất) là 3.000m. EHang còn một phiên bản khác là VT30 có thể bay liên tục 100 phút với quãng đường 300km. Ông Rudy Salim, chủ tịch điều hành của Prestige Aviation, khẳng định việc khai thác taxi bay chạy điện sẽ giúp kinh tế các địa phương ở Indonesia "tăng trưởng theo cấp số nhân" do chi phí thấp và thời gian nhanh vượt trội so với các phương tiện khác.
Theo ông Salim, taxi bay là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn với đặc điểm địa lý của Indonesia là quốc gia có hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ cách nhau không xa. Điều này cũng phù hợp tầm nhìn của lãnh đạo nước này về thủ đô, thành phố thông minh Nusantara thay cho Jakarta vốn đang oằn mình vì nạn kẹt xe và lũ lụt.
Bài toán cơ sở hạ tầng
Nhìn chung trong giai đoạn hiện nay các phương tiện bay cá nhân hầu như không được khuyến khích. Điều này là do những quy định nghiêm ngặt của các nước, yêu cầu người điều khiển hoặc công ty cung cấp dịch vụ phải có các chứng chỉ vận hành và an toàn bên cạnh các yêu cầu về sân cất/hạ cánh, bảo dưỡng...
Ông Ling Liong Tien, giám đốc an toàn của AirAsia, giải thích UAM là một khái niệm mới, do đó trọng tâm của họ là thiết lập và tạo điều kiện phát triển một hệ sinh thái UAM, xây dựng các nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai. Nikkei Asia nhận định AirAsia có lẽ là hãng hàng không lớn đầu tiên trong ASEAN đặt cược vào taxi bay và tự tin sẽ giành chiến thắng nhờ các điểm đến rộng khắp trong khu vực, mở đường cho việc tiến sâu hơn vào thị trường địa phương.
Mặc dù taxi bay có thể giúp giảm kẹt xe, song đây không phải là mục tiêu hàng đầu của các nhà phát triển phương tiện này và các chính phủ. Singapore, nơi nhiều khả năng sẽ vận hành các tuyến taxi bay đầu tiên của Đông Nam Á, muốn biến nó thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.
Theo nghiên cứu đánh giá của Volocopter, nhà phát triển eVTOL có trụ sở tại Đức, nền kinh tế Singapore có thể kiếm thêm 3,1 tỉ USD vào năm 2030 nếu triển khai taxi bay vào năm 2024. Các taxi bay 2 và 4 chỗ ngồi của Volocopter sẽ chở khách từ trung tâm Singapore đến sân bay Changi, hoặc thực hiện các chuyến bay xuyên biên giới đến Malaysia. Chính phủ Singapore đã thiết kế một khu vực tại Công viên hàng không vũ trụ Seletar làm nơi thử nghiệm trung tâm taxi bay.
Theo đề xuất của Volocopter, Singapore nên mở khoảng 4 hoặc 6 sân bay/đáp trực thăng cho taxi bay, với tuyến khai thác đầu tiên là bay qua các thắng cảnh của thành phố. "Chúng tôi tin việc ra mắt UAM tại Singapore sẽ thực sự nâng cao vị thế của thành phố sư tử như một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới", ông Christian Bauer, giám đốc kinh doanh của Volocopter, nói.
161.000
Đó là số taxi bay sẽ hoạt động trên khắp thế giới vào năm 2050, trong đó 51% là tại châu Á - Thái Bình Dương, theo Công ty tư vấn Roland Berger có trụ sở tại Đức.
Hai năm qua, các hãng hàng không thương mại lớn trên thế giới đã đặt hàng mua hơn 1.500 chiếc taxi bay, chuẩn bị cho cuộc ra mắt của một phương tiện vận tải mới đầy ấn tượng.