“Giấc mơ Mỹ”: Người phụ nữ Mexico đầu tiên bay vào vũ trụ
Trong số 6 hành khách của chuyến du hành vũ trụ này có một phụ nữ Mexico 26 tuổi được một tổ chức phi lợi nhuận tài trợ.
Ngày 4/6, công ty vũ trụ Blue Origin của tỷ phú sáng lập Amazon là Jeff Bezos đã lần thứ 5 đưa người lên vũ trụ. Trong số 6 hành khách của chuyến du hành có một phụ nữ Mexico 26 tuổi được một tổ chức phi lợi nhuận tài trợ. Câu chuyện cá nhân của cô được cho là truyền cảm hứng.
Chiếc New Shepard của hãng hàng không vũ trụ tư nhân Blue Origin cất cánh ở Texas vào ngày 4/6 và lên đến điểm cao nhất cách mặt đất 106 km, được cho là ranh giới của một tầng không gian khác ở bên ngoài. Sau đó hơn 10 phút thì New Shepard đáp trở lại mặt đất với sự hỗ trợ của một chiếc dù, kết thúc trải nghiệm môi trường không trọng lực trong vài phút của 6 hành khách.
CNN đưa tin, để có được vé vào vũ trụ, hành khách phải trả một khoản tiền (không công khai), nhưng nữ kỹ sư Katya Echazarreta đến từ Guadalajara – Mexico được tài trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận “Không gian vũ trụ cho loài người” (Space for Humanity), là người được chọn từ hàng ngàn đơn đăng ký cho chuyến bay. Mục đích của tổ chức là cử “ những nhà lãnh đạo kiệt xuất ” vào không gian để trải nghiệm hiện tượng toàn cảnh mà các phi hành gia đề cập, họ nói rằng việc nhìn thấy Trái đất từ không gian đã thay đổi sâu sắc quan điểm của họ.
Katya Echazarreta cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng cô được trải nghiệm bức tranh toàn cảnh theo cách riêng của mình: “Nhìn xuống và thấy tất cả mọi người ở phía dưới, tất cả quá khứ của chúng ta, tất cả lỗi lầm của chúng ta, tất cả trở ngại của chúng ta, mọi thứ, mọi thứ đều ở đó. Điều duy nhất tôi nghĩ đến là khi tôi trở lại mặt đất, tôi muốn mọi người thấy [được như tôi], muốn những người gốc Latin thấy [được như tôi]. Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn củng cố sứ mệnh của tôi là tiếp tục trở thành người đầu tiên đưa phụ nữ và người da màu vào không gian, giúp họ thực hiện ước muốn”.
Katya Echazarreta là phụ nữ Mexico đầu tiên đi vào vũ trụ và là người Mexico thứ hai đi vào vũ trụ sau nhà khoa học Rodolfo Neri Vela tham gia sứ mệnh tàu của NASA vào năm 1985. Cô cũng trở thành người phụ nữ Mỹ trẻ nhất bay vào vũ trụ.
Katya Echazarreta có thể được mô tả như một câu chuyện điển hình về “giấc mơ Mỹ”. Gia đình cô chuyển đến Mỹ khi cô 7 tuổi, cô nhớ lần đầu tiên khi đến một nơi ở mới mà cô không nói được tiếng địa phương, không biết bắt đầu như thế nào. Một giáo viên còn cảnh báo rằng cô có thể phải học lại lớp. Cô nói trong một cuộc phỏng vấn trên Instagram: “Điều đó thực sự mang lại cho tôi rất nhiều động lực, tôi nghĩ rằng tôi bắt đầu tràn đầy nỗ lực từ năm lớp 3 mà chưa từng dừng lại”.
Năm 17 – 18 tuổi khi Katya Echazarreta đến làm việc tại McDonald’s, cô đã là nguồn thu nhập chính của gia đình. “Tôi từng làm tới 4 công việc cùng lúc chỉ để học xong đại học vì nó thực sự quan trọng đối với tôi”.
Hiện cô đang theo học thạc sĩ kỹ thuật tại Đại học Johns Hopkins. Trước đây cô đã từng làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở California. Cô nhận thấy ở đó không có kỹ sư nào giống cô. Điều này đã thúc đẩy cô trở thành người của công chúng. Cô nói: “ Trên thế giới có rất nhiều người có ước mơ giống như tôi, nhưng ở đây tôi lại không thấy họ. Đối với tôi, chỉ đạt được ước mơ này thôi là chưa đủ, tôi muốn giúp đỡ những người khác có ước mơ như mình”.
Không chỉ có hơn 330.000 người theo dõi trên tài khoản TikTok, Katya Echazarreta còn tổ chức một chương trình khoa học trên YouTube và dẫn chương trình cuối tuần của CBS mang tên “Nhiệm vụ không thể ngăn cản” (Mission Unstoppable).
Uyển Thiều, Vision Times
Diễn văn: "Tôi có một giấc mơ" - Martin Luther King "Tôi có một giấc mơ...", những lời nói ấy đã đưa Martin Luther King trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất…