Giấc mơ chinh phục châu Âu của gã khổng lồ xe điện Trung Quốc
Liệu BYD có BYD cạnh tranh được với Mercedes, BMW hay Volkswagen sau khi soán ngôi Tesla trở thành thương hiệu hiệu xe điện hàng đầu thế giới?
Các thương hiệu xe hơi lớn của Đức đã hoạt động ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới Volkswagen bắt đầu tiến vào thị trường Trung Quốc năm 1985 và hiện sản xuất hơn 3 triệu chiếc tại các nhà máy của hãng ở Trung Quốc mỗi năm.
Trung Quốc cũng là thị trường xe hơi lớn nhất của Volkswagen với hơn 50% doanh số bán hàng dành cho khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD hiện đang tìm cách đảo ngược xu hướng đó. BYD đã cung cấp 3 mẫu xe Atto-3, Han và Tang ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào tháng 10/2022 và dự định giới thiệu thêm một số mẫu xe mới ở thị trường này.
Hãng xe do Warren Buffet “chống lưng”
BYD, viết tắt của Build Your Dreams (Xây giấc mơ của bạn), được CEO Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) thành lập tại Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất pin vào năm 1995. Công ty bắt đầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ô tô vào năm 2003.
Ngày nay, BYD được biết đến là một công ty chuyên sản xuất xe điện, xe buýt, xe hơi và ô tô chạy pin. Mặc dù xe BYD ít được biết đến ngoài thị trường Trung Quốc, nhưng tên tuổi của hãng xe đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia này.
Năm 2008, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet đã chi 232 triệu USD để mua gần 10% cổ phần của công ty. Khoản đầu tư này hiện có giá trị khoảng 8 tỷ USD, theo ông Charlie Munger, Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway.
Trong 2 thập kỷ qua, BYD đã không ngừng phát triển và vươn lên thành một trong những thương hiệu xe điện hàng đầu thế giới. Xe điện là phân khúc kinh doanh lớn nhất với hơn một nửa doanh thu của của công ty. Doanh số của BYD cũng chiếm khoảng 30% doanh số xe điện của Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Chiến lược của BYD là tạo ra những mẫu xe có giá cả phải chăng hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Phần lớn dòng sản phẩm của BYD được bán với giá từ 13.200 đến 46.700 USD. Trong khi đó, các mẫu xe Tesla có giá khởi điểm khoảng 50.000 USD.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2011, tỷ phú Elon Musk từng cho rằng BYD không phải là đối thủ của Tesla vì sản phẩm của họ không có gì nổi bật. Hơn 10 năm sau, năm 2022 BYD đã vượt mặt Tesla để trở thành hãng xe điện hàng đầu thế giới với doanh số 1,86 chiếc xe điện, trong khi Tesla chỉ bán được 1,3 triệu chiếc.
Sau khi thiết lập vị trí thống trị tại sân nhà, BYD có tham vọng tạo một cú hích mạnh mẽ hơn trên toàn cầu. Để hỗ trợ cho tham vọng này, công ty đã cho ra mắt các mẫu xe điện mới ở Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ, đồng thời có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam để tăng công suất. Tính đến năm 2022, BYD đã có hơn 30% cơ sở sản xuất trên toàn thế giới.
Lấn sân thị trường ngoại
Trước khi chính thức thâm nhập thị trường Đức, BYD đã cho ra mắt các mẫu xe tại châu Âu. Cuối năm 2021, hãng bắt đầu bắt đầu cung cấp xe hơi ở Na Uy, nơi có tỉ lệ xe chạy bằng pin cao nhất châu Âu. Một năm sau, công ty chuyển đến Thụy Điển, nơi mẫu SUV của hãng lọt vào top 5 mẫu xe bán chạy nhất ngay trong tháng đầu ra mắt.
Ở cả hai quốc gia này, BYD đã hợp tác với một nhà phân phối để điều hướng thị trường. Đây cũng là điều mà công ty đang thực hiện ở Đức. BYD cũng được cho là đang đàm phán để mua lại nhà máy sản xuất của Ford ở Đức, đồng thời xây dựng một nhà máy của riêng mình tại quốc gia này.
Nhằm đưa thêm xe của mình vào lưu hành ở Đức, BYD đã nỗ lực giành được hợp đồng 6 năm với công ty cho thuê xe lớn nhất nước Đức có trụ sở tại Munich. Theo hợp đồng này, Sixt sẽ đặt hàng 100.000 chiếc xe điện từ nhà sản xuất Trung Quốc cho đến năm 2028. Đối với BYD, đây là một chiến thắng quan trọng ở thị trường châu Âu.
“BYD sẽ nỗ lực để trở nên cạnh tranh hơn ở thị trường Đức. Tuy nhiên, thành công sẽ không đến trong ngày một ngày hai. Điều chúng tôi cần làm là xây dựng thương hiệu cho BYD, và chúng tôi sẽ thuyết phục khách hàng thông qua chất lượng”, ông Jan Grindemann, giám đốc điều hành của Hedin Mobility Group, một công ty Thụy Điển đang xử lý nhập khẩu xe BYD cho biết.
Lợi thế của BYD là công ty sản xuất nhiều loại xe khác nhau, trong khi các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Đức phần lớn cung cấp xe điện ở phân khúc cao cấp hơn. Ngoài ra, BYD sở hữu mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc cho phép công ty tự sản xuất nhiều bộ phận của xe hơi, chất bán dẫn và pin - thành phần đắt nhất của xe điện, trong khi các nhà sản xuất Đức lại đang bị thiếu hụt các bộ phận và chip do các vấn đề trong chuỗi cung ứng, dẫn đến sản xuất giảm.
Tuy nhiên, chinh phục thị trường Đức không phải là điều dễ dàng, bởi các hãng xe Đức đã sản xuất 90 mẫu xe điện và hiện đang chạy đua để mở rộng và cải thiện các dịch vụ của họ.
Bên cạnh đó, người Đức rất tự hào về ngành công nghiệp ô tô của họ. Họ khá thận trọng và không có xu hướng “có mới nới cũ”, do đó, họ không dễ dàng từ bỏ những tên tuổi như Audi, BMW hay Mercedes-Benze để lựa chọn các hãng xe nước ngoài, nhất là những tên tuổi họ chưa từng biết đến như BYD .
Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, Seeking Alpha, DW, Sybershel)