Giấc mơ bừng sáng từ căn chòi rách nát, ọp ẹp

Chia sẻ Facebook
27/08/2022 11:42:01

Từ cái chòi bếp ọp ẹp che bằng bạt ni lông rách bươm ven đường ở Thủ Đức (TP.HCM) làm chốn ăn học, cậu học trò nghèo ngày ấy giờ đã là tiến sĩ tại Nhật Bản.

Phạm Minh Duyên (trái) cùng người hướng dẫn luận án tiến sĩ - GS Katayama Arata (ĐH Nagoya) - Ảnh: NVCC


Phạm Minh Duyên - chàng trai từng nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" - hiện làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Khoa học vật liệu quốc gia Nhật Bản. "Học bổng Tiếp sức đến trường là nguồn động viên, bệ phóng ban đầu giúp tôi có được ngày hôm nay" - anh tâm sự.

Muốn giúp người khác, bản thân mình phải mạnh trước đã nên tôi vẫn đang phấn đấu, trau dồi thêm để có thể làm được điều gì đó thiết thực hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh như mình ngày trước.

PHẠM MINH DUYÊN


Đồng tiền mặn chát mồ hôi

Đang làm việc tại viện nghiên cứu lớn của Nhật và có tiếng thế giới, ký ức về quãng thời gian khốn khó vẫn y nguyên trong anh. Đó là cái chòi ọp ẹp ở ấp Vĩnh Thuận, phường Long Bình (quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức, TP.HCM) được dựng bằng mấy cây tre với tấm bạt ni lông, là căn bếp mà mỗi lần trời mưa mẹ Duyên phải xắn quần, lội nước nấu ăn.

Cả nhà ở trọ, nửa đêm anh đốt đèn cầy ra ngồi trước cửa phòng học bài một mình, không dám mở điện trong phòng vì sợ cha mẹ thức giấc, vừa học vừa gãi vì bị muỗi đốt.

"Căn phòng trọ bé xíu, không có bếp, nên phải dựng cái lều ven đường làm bếp. Những đêm trời mưa lớn, tôi chui vô cái lều này học để đèn không bị gió thổi tắt" - Duyên nhớ lại.

Năm 1998, cả nhà từ Nam Định dắt nhau vô TP.HCM mưu sinh, khó khăn đủ bề. Những tưởng hai lần anh chàng đã đứt gánh đường học vì khó khăn quá. Hình ảnh người mẹ mỗi chiều tối vừa lúi húi dọn dẹp hàng nước vừa thổi bếp nấu cơm trong căn chòi ven đường. Hình ảnh người cha gầy nhom, quần áo lấm lem sau một ngày làm phụ hồ đạp xe về tới nhà trọ xắn tay vào bếp phụ mẹ nấu ăn... sẽ mãi nằm sâu trong ký ức cậu.

Những hình ảnh ấy cùng những đồng tiền mặn chát mồ hôi của cha mẹ đã chắt chiu, nuôi lớn giấc mơ của cậu con trai. Nhiều khi nhớ lại quãng đường đã qua, Duyên bảo cứ ngỡ như mình đang mơ vậy...

Nhưng chính những hình ảnh ấy khiến Duyên càng thêm quyết tâm phải học thật tốt, đến nơi đến chốn, phải thành tài để còn kịp đỡ đần cho cha mẹ, nó thôi thúc mãnh liệt trong anh.


Học để thay đổi số phận

Hành trình vượt khó để theo đuổi đường học của Phạm Minh Duyên in đậm bóng dáng của nhiều thầy cô giáo. Biết rõ hoàn cảnh cậu học trò nghèo hiếu thảo chọn thi khối B, cô giáo Nguyễn Thị Duyên (giáo viên dạy sinh Trường THPT Nguyễn Huệ) kêu Minh Duyên cứ đến nhà cô học, đừng nghĩ chuyện học phí.

Chồng cô Duyên cũng là giáo viên môn sinh ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên Minh Duyên được cả thầy và cô thay nhau dạy.

Kết quả thi đại học năm đó, Minh Duyên trúng tuyển cùng lúc hai trường của ĐH Quốc gia TP.HCM: Bách khoa (24 điểm), Khoa học tự nhiên (26,5 điểm).

Nhận giấy báo trúng tuyển cả nhà đều mừng, cha mẹ động viên khó khăn cỡ nào cũng phải học. Nhưng nhìn đôi vai gầy của mẹ, chiếc lưng còng của cha, Duyên lại toan nghỉ học. Anh đi làm thêm, đủ "nghề", từ bồi bàn, bán vé số cho đến dạy kèm kiếm tiền mua sách vở.


Lúc ấy anh trai Duyên đang học Trường ĐH Đà Lạt nên càng thêm khó. "Tôi tình cờ đọc được thông tin học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ . Tôi đăng ký và chờ đợi. Vì từng được nhận học bổng Vượt khó - học giỏi của báo năm lớp 9 nên tôi rất hy vọng. Và tôi được trao học bổng này, vậy là mình chắc chắn được vào đại học rồi.

Sự tiếp sức ấy giúp tôi đủ sức vượt qua những tháng ngày thật sự khó khăn. Tôi biết ơn vì điều đó", Duyên tâm sự.

Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa năm 2013, chàng kỹ sư trẻ Phạm Minh Duyên trúng tuyển học bổng của hoàng gia Thái Lan, lên đường học thạc sĩ ngành Water and Wastewater Engineering tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan. Sau đó anh lại tiếp tục nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản cho chương trình học tiến sĩ tại ĐH Nagoya và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào tháng 2-2019.

Nói về học trò của mình, GS Katayama Arata (ĐH Nagoya) cho biết: "Mặc dù nghiên cứu rất khó khăn vì bắt buộc phải tiếp cận đa ngành, nhưng bằng sự cố gắng của mình, Minh Duyên đã thành công bằng hướng tiếp cận mới. Với khả năng nghiên cứu về khoa học và công nghệ của Duyên, tôi tin anh ấy sẽ trở thành một nhà khoa học thành công trong tương lai".


Phải đi tới cùng


Sau nhiều năm xa quê cho giấc mơ học hành của các con, nay cả hai con trai ổn định, cha mẹ Minh Duyên đã trở lại quê Hải Hậu (Nam Định) chăm lo ao vườn. Anh tiến sĩ trẻ tâm sự: "Tôi luôn mang theo hai tờ giấy chứng nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ bên mình để mỗi khi tâm trạng đi xuống, nhìn vào đó để nhớ đã có nhiều người yêu thương giúp đỡ nên mình phải đi tới cùng. Tôi thật sự tin rằng chỉ cần có quyết tâm học tốt thì không đi vô ngõ cụt".

Cô Nguyễn Thị Duyên - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Thủ Đức) - đánh giá Phạm Minh Duyên dù hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ bạn ấy nản lòng, tự ti về bản thân. Chính hành trình học và trở thành tiến sĩ đã minh chứng cho tính cách của bạn.

"Tôi từng nói, với sự nỗ lực như thế Minh Duyên chắc chắn sẽ thành công nhưng không nghĩ bạn ấy thành công đến vậy. Cậu học trò này đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho học sinh của trường nhiều năm qua" - cô Duyên nói.


Bạn từng là tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường? Mời bạn kết nối lại với báo Tuổi Trẻ trong mùa học bổng thứ 20 này. Những câu chuyện, sẻ chia xin gửi về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đồ họa: NGỌC THÀNH


Hãy đăng ký nhận học bổng cùng Tuổi Trẻ


Năm 2022, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 63 tỉnh, thành đoàn cả nước để tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học bổng trị giá 15 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến hơn 15 tỉ đồng.

Ngoài ra sẽ có 5 suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập, 1.500 balô tặng sinh viên (trị giá 230 triệu đồng)...


Năm nay là mùa thứ 20 học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên khó khăn từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng chia sẻ. Học bổng này đã "tiếp sức" cho 22.370 tân sinh viên không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.


Theo Trần Huỳnh

Chia sẻ Facebook