Giá xăng ở mức cao vẫn ‘cõng’ 40% thuế phí, chuyên gia khuyên giảm thêm thuế nào?

Chia sẻ Facebook
04/04/2022 00:25:11

Giá xăng RON95 hơn 28.000 đồng/lít vẫn "cõng" 40% thuế phí. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt được cho là không phù hợp khi xăng là hàng thiết yếu.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Theo tính toán, một lít xăng hiện đang ‘cõng’ hơn 40% thuế phí như: thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt,… Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thêm các loại thuế của xăng trong bối cảnh giá xăng còn ở mức cao (RON95 hơn 28.000 đồng/lít). Trong đó, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng được cho là chưa phù hợp khi đây là mặt hàng thiết yếu.

Nhiều ý kiến cho rằng xăng là hàng hóa thiết yếu nhưng bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt như xe hơi, thuốc lá, bia, rượu,… là chưa phù hợp (Ảnh: Trí Thức VN).

Trong cơ cấu tính giá bán, một lít xăng dầu đang chịu các loại thuế gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt từ 8-10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế bảo vệ môi trường (vừa được giảm từ ngày 1/4 đến hết 31/12 năm nay, xăng giảm từ 4.000 đồng xuống 2.000 đồng/lít; dầu giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít, riêng dầu hỏa giảm 1.000 đồng xuống 300 đồng/lít).

Bên cạnh đó, các loại chi phí cố định được tính trong giá xăng dầu gồm: lợi nhuận định mức 300 đồng/lít; mức trích lập quỹ bình ổn tối đa 300 đồng/lít; chi phí định mức từ 600-1.050 đồng/lít.

Tính gộp các loại thuế và phí như trên, hiện nay một lít xăng đang “cõng” hơn 40% và một lít dầu là 21-27% thuế phí. Theo Bộ Tài chính, mức thuế phí của dầu ít hơn là do hiện nay mặt hàng dầu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu từ 0,85%-3,04% thay vì 10% như xăng,…

Hôm qua, ngày 1/4, giá xăng RON95 giảm khoảng 1.000 đồng/lít về ngưỡng 28.150 đồng/lít, giá dầu Diesel bật tăng 1.450 đồng/lít lên 25.080 đồng/lít sau khi liên Bộ Công thương – Tài chính thông báo giá xăng dầu đã bao gồm mức giảm thuế bảo vệ môi trường nói trên. Như vậy, mức giảm của xăng RON95 thấp hơn mức thuế bảo vệ môi trường được giảm, dầu Diesel không được giảm mà còn tăng trở lại.

So với giá xăng đầu năm ở ngày 11/1, hiện xăng RON95 đã tăng 4.280 đồng/lít, tăng 18%; dầu Diesel tăng 6.850 đồng/lít, tăng 36%. (Biểu đồ: Quang Minh tổng hợp/Trí Thức VN)

Từ đầu năm 2022, qua 8 kỳ điều chỉnh giá của liên Bộ Công thương – Tài chính, xăng có 6 lần tăng 2 lần giảm; dầu có 7 lần tăng 1 lần giảm. So với giá xăng dầu ở kỳ điều chỉnh ngày 11/1, trung bình giá xăng các loại đã tăng khoảng 18%; giá dầu các loại tăng khoảng 33%.

Trước bối cảnh xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và chi phí sản xuất nhưng giá vẫn đang ở mức cao, đồng thời lại chịu nhiều loại thuế phí. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng cần giảm thêm/bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu, nâng cao năng lực của các nhà máy lọc dầu trong nước,… để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Theo báo Thanh Niên, TS Bùi Trinh – chuyên gia kinh tế cho biết xăng là hàng hóa thiết yếu được dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Theo tính toán của ông Trinh, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng, ông Trinh cho biết trước đây giá xăng 15.000 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.500 đồng; hiện nay giá xăng tăng gần gấp đôi, tương ứng thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 2.800 đồng/lít. Mức tăng này tạo thêm gánh nặng lên người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ông Trinh cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt thường tính cho các mặt hàng đắt tiền hoặc không khuyến khích dùng như: rượu, bia, thuốc lá,…

GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng quan điểm khi cho rằng hiện nay chi phí của doanh nghiệp, người dân,… tăng cao khi giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh. Ông Cường đề xuất Chính phủ cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức phù hợp. Tuy vậy, ông Cường cho hay việc sử dụng xăng cần nên tiết kiệm vì đây là nguồn tài nguyên có giới hạn và cần hạn chế bớt khí thải, theo báo Công Thương.

Trao đổi với báo BBC Tiếng Việt, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết giá xăng ở Việt Nam còn khá cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, xăng là hàng hóa thiết yếu, việc tính cả hai loại thuế là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường cho xăng là không phù hợp, tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng xăng là “hàng hóa đặc biệt”, là nguồn tài nguyên không tái tạo, cần sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Do vậy, ông Thỏa nhận định vẫn cần giữ thuế tiêu thụ đặc biệt với mục đích điều tiết hành vi người tiêu dùng – báo Nhịp sống Thị trường đưa tin.

Về phía Bộ Tài chính, Vụ Chính sách Thuế cho hay có sự vướng mắc trong điều chỉnh loại thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng cần phải theo diễn biến của thị trường trong khi việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt do Quốc hội quy định tại kỳ họp Quốc hội 6 tháng/lần. Bên cạnh đó, Bộ này lý giải xăng bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt vì mặt hàng này có gốc hóa thạch, người dân cần sử dụng tiết kiệm, theo báo Tuổi Trẻ.


Quang Minh

Từ ngày 1/4, xăng RON95 giảm 1.040 đồng/lít; dầu Diesel tăng 1.450 đồng/lít

Từ 0h ngày 1/4, giá xăng RON95 giảm gần 1.040 đồng/lít; dầu Diesel quay đầu tăng 1.450 đồng/lít. Tính từ đầu năm 2022, giá xăng RON95 tăng 18%

Chia sẻ Facebook