Giá xăng liên tục lập đỉnh, hàng loạt doanh nghiệp và tài xế phải thanh lý xe cắt lỗ
Giá xăng dầu tiếp tục lập đỉnh, phí cầu đường cũng gia tăng khiến nhiều nhà xe, tài xế rơi vào cảnh điêu đứng thu không đủ chi, buộc phải bán xe để cắt lỗ.
Tài xế bán xe cắt lỗ
Báo Vnexpress dẫn lời anh Thảo, một tài xế xe tải chuyên chở rau củ từ Đắk Nông đi Cần Thơ cho biết, hàng loạt chi phí liên tục tăng, từ phí đường bộ, phí hao mòn, nay tới giá xăng liên tục lập đỉnh, anh đã cho 4 xe nằm bãi suốt 1 tháng nay và đang cân nhắc đến việc thanh lý xe, bỏ nghề.
“Cung đường em đi bây giờ bắt đầu áp dụng mức thuế vô cao tốc Trung Lương, 180 ngàn/vé cho 500 cây là vô đến chợ nổi Cần Thơ. Với cái mức phí đó là chạy không nổi. Vì xe giờ không vô cao tốc nữa mà đi ngoài QL1A nên tắc đường liên tục…
Lúc trước em đi 1 ký rau lời được 1 ngàn rưỡi mà giờ đi một chuyến về lời được có 800 đồng/ký rau. Trung bình em đi khoảng 500 cây là tầm 35 lít dầu. Cả đi cả về nhiều lúc xuống Lai Vung về nữa là tầm 2,8 triệu tiền dầu, giờ nó lên đến 3,6 – 4 triệu tiền dầu, tiền tài hiện tại là 1 chuyến 1 triệu rưỡi. Ăn uống mình lo mà cả đi cả về chi phí nó tầm cỡ 6 triệu đến 7 triệu, lỗ tầm 4 triệu… Có chuyến em đi về trừ tất cả các chi phí dư đúng 500 ngàn” , anh Thảo chia sẻ.
Anh Thảo cho biết, để có được phương tiện kiếm cơm, anh đã phải vay trả góp tại ngân hàng, giờ khoản vay chưa trả hết nhưng thâm hụt ngày càng sâu, nên anh đành chấp nhận bán lỗ 150 triệu đồng mỗi xe, cả gia đình sống nhờ đồng lương giáo viên của vợ.
“Giờ không chạy là không được mà chạy là lỗ nên em quyết định em bán xe. Tiền thì đâu có mà vay mượn ngân hàng để có cái xe để đi làm nên bắt buộc phải bán xe thôi chứ giờ lãi ngân hàng tầm trên 1 tỷ… Giờ cước quá rẻ, mà dầu quá cao đi không ăn thua…mà đầu bên kia không chịu. Quyết định bán xe em lỗ mất 150 triệu/chiếc xe.”
Tương tự, anh Hải ở Lạng Sơn sau 7 năm cầm lái đã phải bán xe bỏ nghề vì giá xăng tăng.
“Từ lúc xăng lên, anh nghỉ đến giờ được 3 tháng rồi. Xăng lên cao quá, chạy thì nó cũng không thấy tiền, làm về cũng đập vào xe vào xăng hết, hao mòn xe hỏng hóc các kiểu… với khách đi giá rẻ, bọn anh tăng giá lên thì khách lại không đồng ý. Tính ra được chẳng bao nhiêu mà chạy xe cả ngày cả đêm mệt lắm.
Trước một tháng có thể để ra 15 – 20 triệu, còn bây giờ chỉ được 5 – 6 triệu. Với cái thời gian bỏ ra nhiều quá, công sức mình bỏ ra nhiều quá, mình cảm giác không đáng quý nên là anh quyết định chuyển đổi công việc khác” , anh Hải nói và cho biết bán chiếc xe đi anh thấy tiếc vô cùng, nếu xăng mà không tăng cao thì anh vẫn để xe đi làm bình thường.
D oanh nghiệp hoạt động cầm chừng , tháng lỗ vài tỷ
Không chỉ những chủ xe tư nhân mà các doanh nghiệp cũng lao đao vì lạm phát phí, thay vì gỡ lại thâm hụt sau dịch Covid-19, nhà xe lại phải gánh thêm lỗ vì chi phí tăng nhưng vẫn phải liên tiếp tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu du khách.
Ông Hoàng, phó giám đốc một hãng xe Sài Gòn – Đồng Nai cho biết, bên ông thiệt hại rất lớn. Do dịch bệnh mà lượng khách đã giảm 60 – 70%. Giờ lượng khách đang tăng dần cũng phấn khởi nhưng từ khi giá dầu bị đẩy lên cao, kéo theo rất nhiều chi phí khác như nhân công, chi phí phụ tùng, bảo trì… nó khiến doanh số giảm khoảng 60%.
Trong khi đó các phương tiện chở khách trong hãng xe của ông đều do vay ngân hàng mà có. Sau dịch doanh nghiệp của ông “vẫn phải gồng lại tất cả các khoản đó, nó chia đều cho các tháng. Tới hiện tại thì không tính toán được gì hết, tại nó cầm chừng… Có những tháng nợ lên tới vài tỷ là bình thường.”
Cuối cùng để cắt lỗ, ông Hoàng cho biết vừa rồi doanh nghiệp đã phải thanh lý khoảng 50 đầu xe hoạt động không hiệu quả phải bỏ nằm nhà. “Nó nằm nhà thì tụi anh lỗ nên tụi anh bắt buộc phải cắt lỗ thôi” , ông Hoàng nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc công ty xe Sao Việt cho biết, bài toán chi phí cũng là vấn đề lớn đối với công ty ông. Xăng dầu điều chỉnh giá vài lần mỗi tháng nhưng doanh nghiệp không thể chỉnh giá dịch vụ lên xuống tùy ý.
“Đối với các doanh nghiệp mà cứ nói rằng là xăng dầu lên là tăng giá vé, ngày mai xăng dầu lên lại tăng giá vé, thế thì ngày kia xăng dầu nó xuống thì lại giảm giá vé? Đấy là một sự kinh doanh không bền vững. Vì mỗi một kỳ điều chỉnh vé thì không đơn thuần là của một doanh nghiệp có thể tự ý điều chỉnh giá. Mà phải xây dựng cái giá thành, chi phí và cơ quan quản lý nhà nước cũng không chấp nhận việc đó.
Doanh nghiệp lúc này là khó đủ đường, bên ông số xe hoạt động trở lại được chỉ có 50%, còn lại vứt không nằm ở trong bãi. Xăng dầu nó đã chiếm trên 50% cấu thành giá của tổng thu nhập thì chẳng có doanh nghiệp nào có thể xoay sở được, bù đắp được cái chi phí. Cho nên càng vận hành nhiều thì càng lỗ nhiều”.
Đầu tư cả tiền bạc lẫn công sức để vật lộn với bài toán mưu sinh nhưng càng ngày càng mắc, bất lực với tình cảnh này nhiều nhà xe tài xế chỉ biết mong chờ vào giải pháp của nhà nước cho vấn đề giá xăng dầu: “Bây giờ xe có lăn bánh thì dân mới có thu nhập, có tiền thì mới có đầu tư, thì nhà nước mới có nguồn thu từ dân. Chứ giờ mà cứ như vậy thì đâu có làm được gì. Chỉ cần điều chỉnh lại giá dầu thôi. Nó xuống tầm 20 – 25 ngàn là tụi em có đường sống”;
“Chỉ hy vọng lần sau giá xăng dầu nó đừng có tăng cao nữa. Cái quan trọng bây giờ để giảm bớt được gánh nặng cho doanh nghiệp thì cái thuế nhập khẩu xăng dầu, cái thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu thì cũng cần xem xét để giảm xuống hoặc cái phí môi trường cũng phải xem xét tiếp tục giảm xuống, để bình ổn được một phần giá xăng dầu.”
Đề xuất bỏ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Từ đầu năm tới nay giá xăng dầu đã tăng 13 lần, chỉ có duy nhất 3 lần giảm. Trong kỳ điều chỉnh giá chiều 21/06, giá xăng dầu lại tiếp tục tăng cao, hiện mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 30.010 đồng/lít, dầu hỏa là 28.780 đồng/kg.
Hiện Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu về 1.000 đồng đến hết năm nay, thay vì 2.000 đồng như hiện nay.
Theo báo VietNamNet, liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng đề xuất, ngoài thuế bảo vệ môi trường thì thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cũng cần cắt giảm. Đây được cho là các giải pháp cần thiết để giảm giá bán lẻ xăng dầu cho người dân, góp phần hạ nhiệt lạm phát.
Xuân Hạ (t/h)