Giá xăng giữ nguyên, giá dầu Diesel giảm hơn 500 đồng/lít

Chia sẻ Facebook
12/01/2023 03:14:10

Tại kỳ điều chỉnh thứ ba trong năm 2023, xăng E5 RON92 và xăng RON95 giữ nguyên ở mức 21.350 – 22.150 đồng/lít. Trong khi giá dầu Diesel giảm hơn 500 đồng/lít, về mức giá thấp hơn xăng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lãi trước thuế khoảng 3,5 tỷ USD năm 2022

Giá dầu Diesel hiện trở lại thấp hơn giá xăng RON95. (Ảnh minh họa: Charnpui/Shutterstock)

Từ 15h ngày 11/1, liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, xăng RON95 và E5 RON92 giữ nguyên giá so với kỳ điều hành vào ngày 3/1, lần lượt là 22.150 đồng và 21.350 đồng mỗi lít.

Trong khi đó, giá dầu kỳ điều hành này giảm. Cụ thể, dầu Diesel giảm 520 đồng đồng/lít, còn 21.630 đồng/lít. Tính từ đầu năm, mặt hàng xăng đã trải qua 3 lần điều chỉnh giá, trong đó có 2 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.

Hiện Quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/1, Petrolimex dương 1.989 tỷ đồng, Saigon Petro 293 tỷ đồng, Petimex là 373 tỷ đồng…

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất phương án rút ngắn thời gian điều hành còn 7 ngày (thứ năm hàng tuần), không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).

Trước đề xuất giao toàn quyền quản lý xăng dầu về cho Bộ Công thương của Bộ Tài chính, mới đây, Bộ Công thương nêu ý kiến ngược lại, muốn giao cho Bộ Tài chính toàn bộ việc điều hành giá, tính toán chi phí.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng việc Bộ Công thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính thực chất đang “đá quả bóng trách nhiệm”, theo Tuổi Trẻ.

Theo ông Long, trên thực tế, quản lý giá xăng dầu đã trải qua nhiều giai đoạn. Cũng từng có thời kỳ Bộ Tài chính quản lý mặt hàng này, sau đó chuyển về Bộ Công thương và duy trì đến nay.

Về đề xuất giao quản lý xăng dầu về Bộ Tài chính, ông Long cho rằng bộ này chỉ nắm về quy định thuế, cơ cấu tính giá. Trong khi cung cầu là chuyện không quản lý nên sẽ có khó khăn, “có thể bất ổn”.

Đồng tình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay không nên giao toàn bộ quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của hoạt động thương mại.

Từ việc xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công thương đều quản lý.


Đức Minh

Bộ Công thương "đẩy ngược", muốn giao quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính Mới đây, Bộ Công thương nêu ý kiến ngược lại, muốn giao cho Bộ Tài chính toàn bộ việc điều hành giá, tính toán chi phí xăng dầu.

Chia sẻ Facebook