Giá xăng dầu sẽ tác động thế nào đến tình hình lạm phát của Việt Nam nửa cuối năm 2022?

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 13:49:59

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2022, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định hai quý cuối năm 2022 và năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện nhiều khó khăn. Cụ thể, báo cáo cho biết, nửa cuối năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt trên 8%.

Theo đó, dự báo này được đưa ra trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp tương đối bền bỉ và sự phục hồi của lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vốn là những ngành bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch trong năm 2021. Do vậy, trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 đạt 7,3%.

Sang đến năm 2023, báo cáo cho hay, Chính phủ có thể đạt mục tiêu thận trọng 6,0-6,5% do rủi ro suy thoái tại các nền kinh tế lớn là hiện hữu. VDSC đánh giá, trong giai đoạn thế giới rơi vào suy thoái, tăng trưởng của Việt Nam thường chỉ đạt khoảng 5,0-5,5% (không xét giai đoạn Covid-19),

"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước đạt 6,1-6,3%. Động lực đến từ việc giải ngân vốn đầu tư công hiện đang chậm và yếu, tuy nhiên, đây vẫn có thể là chất xúc tác được chờ đợi cho tăng trưởng năm sau", báo cáo nhận định.

Đâu là yếu tố tác động chính đến lạm phát trong nửa cuối 2022?

Liên quan đến vấn đề lạm phát, báo cáo cho biết, mặc dù giá hàng hóa thế giới tăng cao, lạm phát Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát ở mức 2,5% trong 7 tháng đầu năm 2022. Hiện tại, đà tăng giá xăng dầu đã có phần chững lại trong khi tác động của giá xăng dầu cao lên các hàng hóa khác trong nền kinh tế bắt đầu thể hiện trong diễn biến chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát tháng 6-7 đều ở trên mức 3% so với cùng kỳ.

VDSC đánh giá, giá dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao. Cụ thể, các chuyên gia phân tích của VDSC ước tính, trong kịch bản cơ sở, giả định giá dầu bình quân nửa cuối năm trên 120 USD/thùng, lạm phát bình quân cả năm ước khoảng 4,5%. Trường hợp giá dầu ở vùng 100 USD/thùng, lạm phát sẽ có thể giữ được ở mức 4%.

VDSC kỳ vọng kịch bản cơ sở giá dầu bình quân không vượt quá 120 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2022.

"Điều này sẽ mang nhiều thuận lợi đối với diễn biến lạm phát cả năm", báo cáo nhấn mạnh.

Trong ngắn hạn, Chính phủ ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, thu ngân sách tăng cao trong khi chi ngân sách chậm giải ngân cho vốn đầu tư công tạo dư địa cho việc hỗ trợ kiểm soát giá xăng dầu, và một số mặt hàng có sự điều tiết giá từ Nhà nước.

Tác động vòng hai của việc giá xăng dầu lên giá cả các loại hàng hóa khác sẽ là yếu tố tác động chính đến lạm phát trong nửa cuối 2022 và nửa đầu năm 2023.

Trong khi hầu hết các dự báo về giá dầu đều kỳ vọng giá dầu sẽ giảm trong năm 2023, VDSC không quá lạc quan vì xung đột giữa Nga-Ukraine chưa chấm dứt; sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Do đó, báo cáo cho biết, kịch bản cơ sở cho lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 là 4-4,5%.

Chia sẻ Facebook