Giá xăng dầu giảm nhưng giá hàng hóa… làm thinh!
“Có thể giá xăng dầu giảm 1-2 tháng mới tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.
Giá xăng dầu giảm nhưng giá hàng hóa… làm thinh!
Giá xăng dầu liên tục tăng khiến hàng loạt mặt hàng thiết yếu như rau củ, mì, gia vị, gạo, dầu ăn… tăng cao. Thế nhưng gần đây khi giá xăng dầu giảm trên dưới 3.000 đồng/lít, hàng hóa thiết yếu lại không giảm như kỳ vọng của người dân.
Chưa thể giảm ngay
Tại cửa hàng Winmart+ quận Tân Bình ( TP.HCM ), bà Thủy vừa cầm chai dầu ăn Cooking Tường An loại 1 lít lên vừa nhìn bảng giá niêm yết. Suy nghĩ một lúc, bà nhớ ra cách đây không lâu mua chai dầu này giá chỉ 63.600 đồng, nay tăng vọt lên 71.500 đồng. Khảo sát tại một số siêu thị khác, bà Thủy nhận thấy giá nhiều thương hiệu dầu ăn khác cũng tăng mạnh chứ chưa giảm theo giá xăng dầu.
“Giá xăng dầu vừa giảm mạnh, tôi cứ nghĩ hàng hóa sẽ giảm theo. Nhưng dường như đã có luật bất thành văn, giá hàng hóa đã tăng thì khó mà giảm trở lại, người dân đành chịu” - bà Thủy tự an ủi.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống cũng cho thấy hàng loạt mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau quả, thịt heo, thịt gà… biến động liên tục trong những ngày gần đây. Bà Nhi, tiểu thương chợ Gò Vấp, cho biết khoảng một tuần nay giá thịt heo tăng cao, đặc biệt hai ngày qua các loại thịt heo tăng 10.000-20.000 đồng/kg.
Đơn cử như thịt heo ba rọi từ mức 120.000/kg lên 140.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn lên mức 160.000 đồng/kg, sườn non 180.000-200.000 đồng/kg. “Giá thịt heo tăng cao, khách mua ít nên tôi không đủ sở hụi” - bà Nhi thở dài.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,91% so tháng trước, trong đó có chín nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng. Đơn cử chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%; nhóm thực phẩm tăng 1,27% chủ yếu do thịt gia súc gia cầm, trứng, dầu thực vật… tiếp tục tăng. |
Đại diện một nhà bán lẻ lớn ở TP.HCM cho biết đến thời điểm này chưa nhận được thông báo giảm giá sản phẩm hàng hóa từ các nhà cung cấp. Theo vị này, giá xăng dầu vừa giảm chưa đủ mạnh và chưa biết thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến ra sao nên các nhà cung cấp hàng hóa cho siêu thị chưa thể giảm giá ngay.
“Thông thường DN muốn tăng giá sản phẩm thì phải đề xuất và mất vài tháng để siêu thị cân nhắc, tính toán có đồng ý tăng hay không. Vì vậy, nếu hôm nay họ điều chỉnh giảm giá hàng hóa, tuần sau xăng tăng trở lại họ không thể yêu cầu siêu thị tăng giá ngay. Điều này cũng khiến nhà cung cấp cân nhắc việc giảm giá hàng hóa ngay sau khi xăng dầu giảm” - vị đại diện giải thích thêm.
Xăng dầu giảm chưa đủ mạnh kéo giá hàng hóa
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM , cho biết nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất từ đầu năm đến nay tăng 30%-50% tùy mặt hàng. Do nguyên liệu tăng nên thời gian qua, một số công ty nhựa gia dụng đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm 5%-7%.
Giá xăng dầu mới đây giảm nhưng chưa đủ mạnh để kéo giá thành sản phẩm giảm trở lại, vì trước đây DN dù có điều chỉnh tăng vẫn chưa tính hết vào giá thành. Mặt khác, gần đây mới chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm, trong khi mặt bằng giá của các nguyên liệu, chi phí đầu vào, logistics, vận chuyển… vẫn chưa giảm giá.
“Tôi cho rằng giá xăng dầu phải tiếp tục giảm sâu may ra mới lập lại mặt bằng giá bình thường. Hiện giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm, hy vọng đây là cơ hội để thời gian tới các ngành sử dụng xăng dầu nhiều như logistics, vận tải… giảm. Khi đó các nhà sản xuất mới tính toán điều chỉnh giảm giá hàng hóa chứ hiện nay chưa thể giảm ngay” - ông Anh chia sẻ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, phân tích: Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/lần và theo giá thị trường. Trong hai lần điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu giảm nhưng DN sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ căn cứ theo xu hướng giá chung.
Cụ thể, xăng dầu là một trong những yếu tố tác động lên giá thành hàng hóa. Các yếu tố khác có thể kể đến như giá nguyên vật liệu đầu vào, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đều tăng. Thời gian qua giá hàng hóa tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá xăng và DN hạch toán dần vào chi phí sản xuất. Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu).
“Việc điều chỉnh giá hàng hóa không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các DN cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Giá xăng dầu giảm vừa qua chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1-2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường” - TS Thịnh nói.
Mặt khác, theo TS Thịnh, nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vì vậy không loại trừ trường hợp có công ty lợi dụng bối cảnh hiện nay để giữ giá hoặc “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, nếu có các biện pháp quản lý tốt thì việc giá cả hàng hóa tăng, giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường.
Ngoài xăng dầu còn phụ thuộc vào cung cầu Ông Nguyễn Phúc Hậu, Trưởng phòng kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, lý giải rằng giá xăng dầu vừa giảm 3.000 đồng chưa tác động nhiều đến việc giảm giá thực phẩm tại chợ đầu mối. Ông phân tích: Bình thường một chuyến hàng từ Đà Lạt đến chợ đầu mối hết 1 triệu đồng/tấn. Sau dịch, giá xăng dầu chưa biến động nhiều nên giá cước vận chuyển giảm còn 800.000 đồng/tấn. Thế nhưng, sau khi giá xăng dầu liên tục tăng thì giữa nhà xe và thương lái thương lượng nâng giá cước lên 900.000 đồng/tấn, tương đương 1.000 kg rau chịu 100.000 đồng tiền vận chuyển. “Ngoài yếu tố giá xăng dầu, nguyên vật liệu… giá cả thực phẩm rau củ quả còn phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Ví dụ, thời điểm này dù giá xăng dầu giảm nhưng mặt hàng bầu, bí, khoai tây… rộ hàng nên hạ giá. Ngược lại cà chua, dưa leo… bị thất mùa, khan hiếm nên tăng giá” - ông Hậu nói. |
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM