Giá xăng dầu đã giảm 5.000-6.000 đồng/lít, vì sao nhiều hàng hóa vẫn neo giá?
Có nhiều kỳ vọng đặt ra khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng sẽ giảm theo...
Từ 15h ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 2.710 đồng/lít còn 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít còn 26.070 đồng/lít. Đây là lần giảm mạnh nhất của giá xăng kể từ tháng 4/2020 và cũng là lần giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 7.
Như vậy, so với đầu tháng 7, xăng RON 95 đã giảm hơn 6.690 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 5.820 đồng/lít; dầu diesel giảm 5.560 đồng/lít... đưa giá về ngang với hồi tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm sau thời gian dài tăng giá mạnh nhưng nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm vẫn chưa giảm giá, thậm chí còn tăng thêm.
Tăng dễ, giảm khó
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, đúng là có nhiều kỳ vọng đặt ra khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng sẽ giảm theo. Tuy nhiên theo ông, có một số lý do khiến giá các mặt hàng chưa giảm.
Trước tiên, khi xăng giảm, doanh nghiệp hay người sản xuất cũng phải bù số lỗ của 5 tháng trước , ví dụ như nhiều tàu cá nằm bờ do giá xăng cao, khi giá xăng giảm đi đánh bắt trở lại thì phải bán giá cao hơn chút để bù lỗ.
Thứ nữa là các doanh nghiệp, người sản xuất vẫn phải nghe ngóng xem đến 01/8 tới đây và các tháng sau nữa xăng có tiếp tục giảm không thì mới giảm giá. Nếu giảm giá ngay thì đến 01/8 giá xăng tăng lại phải điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa.
"Và nguyên nhân quan trọng là cơ quan điều hành đã bỏ lỡ nhịp giảm giá xăng. Đáng ra cơ quan điều hành nên giảm giá xăng sớm hơn, thậm chí từ tháng 2, tháng 3 với mức giảm mạnh thì giá các hàng hóa mới không tăng. Nhưng vì bỏ lỡ nhịp nên giá hàng hóa đã tăng lên theo giá xăng và bây giờ rất khó xuống, hoặc lên 3 bậc nhưng xuống chỉ 1 bậc", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia, giá hàng hóa có độ trễ, ví dụ giá vận tải muốn giảm độ 10% cước thì phải trình phương án với sở giao thông vận tải các tỉnh, sau thời gian xem xét, phê duyệt thì 30 ngày sau mới được áp dụng, như vậy khi đó giá xăng tăng lại, doanh nghiệp lại bị đặt vào thế khó.
"Giá cả hàng hóa cũng không chỉ phụ thuộc vào giá xăng, như nông nghiệp còn phụ thuộc vào phân bón mà phân bón từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh, trong khi các doanh nghiệp phải phụ thuộc chi phí đầu vào của sản xuất, chi phí logistics... Đặc biệt doanh nghiệp nhập nguyên liệu bằng USD thì hiện nay đồng USD tăng giá sẽ buộc phải tăng giá thành sản phẩm lên", ông phân tích thêm.
Nếu từ nay đến cuối năm giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu khoảng 4.000 đồng nữa và giữ ổn định giá xăng đến tháng 12 thì giá cả các mặt hàng mới có thể giảm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Ông cho rằng, nếu từ nay đến cuối năm giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu khoảng 4.000 đồng nữa và giữ ổn định giá xăng đến tháng 12 thì giá cả các mặt hàng mới có thể giảm. Tuy nhiên, bắt đầu quý 4, nhu cầu ăn uống, mua sắm, vui chơi, du lịch sẽ tăng lên nên nhiều mặt hàng có thể sẽ tăng giá chứ không có giảm.
"Giải pháp quan trọng nhất lúc này là tiếp tục giảm mạnh giá xăng dầu ở kỳ điều hành tiếp thông qua việc tăng giảm thuế VAT từ 2% lên 5-7%, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như bỏ trích lập quỹ bình ổn. Và việc giảm giá phải giữ vững đến tháng 12 để CPI không vọt lên trên 4%", ông nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, để quản lý giá, cơ quan điều hành có thể học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia lân cận trong việc đưa ra mức trần giá cho một số mặt hàng thực phẩm để giá thành không bị đẩy lên quá cao. Và phải có văn bản quy định rõ ràng, nếu đơn vị nào đẩy giá lên quá cao phải có cơ chế xử phạt.
Cần có sự vào cuộc của cả "3 chủ thể"
Cùng nêu quan điểm về việc khi giá xăng tăng nhiều loại hàng hóa tăng theo luôn nhưng khi giá xăng đã giảm mạnh các hàng hóa vẫn neo giá, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc "tăng nhanh, giảm chậm" vẫn đang là thực tế.
Theo ông, khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp, nhà buôn thường đẩy giá các mặt hàng tăng theo giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như các dịch vụ vận tải thường chậm hơn, thậm chí vẫn giậm chân tại chỗ, tạo mặt bằng giá mới.
"Trong bối cảnh người bán cảm thấy bán với giá cao vẫn có người mua thì họ không có lý do gì để hạ. Giá cả quyết định lợi nhuận, giá cả cao thì lợi nhuận sẽ cao. Cho nên, khi người bán đã tăng giá, họ sẽ luôn muốn giữ giá cao cho đến một mức mà thị trường vẫn còn chấp nhận", ông Long cho biết.
Ông Long nhấn mạnh, muốn hàng hóa giảm giá thì cần có sự vào cuộc của cả "3 chủ thể" trong nền kinh tế thị trường là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan quản lý và bản thân mỗi người tiêu dùng.
Theo đó, hàng hóa chỉ hạ giá khi thị trường có sự cạnh tranh thực sự, nghĩa là có rất nhiều bên bán, khi một số bên bán giảm giá thì các bên khác cũng phải giảm theo nếu không muốn bị mất thị phần.
Thứ hai, là áp lực của cơ quan nhà nước, yêu cầu kê khai, giám sát và có những lời khuyên biết chia sẻ với lợi ích người tiêu dùng, cơ quan chức năng. Đồng thời, bản thân những người tiêu dùng phải biết áp dụng biện pháp tẩy chay, lên án... những hàng hóa tăng giá vô lý.
Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Đinh Thơm
Nhịp sống kinh doanh