Giá xăng dầu có thể tiếp tục lập đỉnh, doanh nghiệp vận tải lao đao
Giá xăng RON95 lên mức 29.980 đồng/lít trong khi lượng khách vẫn chưa thể phục hồi được khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao.
Giá xăng dầu liên tục “leo thang” trong khi lượng khách vẫn chưa thể phục hồi được như trước dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải lao đao, kiệt quệ vì thu không bù nổi chi.
Theo báo Tiền Phong, anh Đào Ngọc Tuấn – Nhà xe Tuấn Duyên (chạy tuyến TP.HCM – Hà Nội) cho biết lượng khách đi xe hiện nay so với chưa dịch thì chỉ bằng 40%. Trước đây, mỗi chuyến xuất bến có khoảng 35-40 khách, bây giờ xuất bến chỉ có hơn 10 khách với mức giá vé không đổi so với những năm trước.
Điều khiến anh Tuấn lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục leo cao mà không hạ nhiệt thì chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được. Thông thường, khoản để bù vào nhiên liệu tăng đó là điều chỉnh giá vé nhưng trên thực tế lượng khách còn quá thấp, việc điều chỉnh lúc này không khả khi, thậm chí có nguy cơ mất thêm khách.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/5, giá xăng RON95 mỗi lít là 29.980 đồng (tăng 25% so với giá đầu năm), dầu Diesel có giá 26.650 đồng/lít (tăng 42% so với đầu năm).
“Với mức giá dầu khoảng 26.000 đồng/lít như hiện nay thì việc chạy một chuyến xe Sài Gòn – Hà Nội cho cả lượt đi và về, chỉ tính riêng tiền dầu đã là xấp xỉ 30 triệu (khoảng 1.200 lít dầu). Chưa kể, còn phải tốn nhiều chi phí khác như tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, tiền thu phí,…tổng hết chi phí là khoảng 45 triệu. Vì vậy, mỗi chuyến xe xuất bến tôi chỉ mong tiền bán vé đủ chi phí trả nhân công và xăng dầu, có những chuyến xe lỗ phải chấp nhận thôi chứ sao” , anh Tuấn ngán ngẩm nói.
Anh Phạm Thanh Duyên, chủ nhà xe Duyên Hà (chạy tuyến TP.HCM – Đắk Nông) cho biết hiện nay một chuyến xe xuất bến từ TP.HCM – Đắk Nông có chi phí là 7 triệu, trong đó tiền dầu chiếm hết gần 5 triệu.
Anh Duyên nói: “Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh hơn 30 năm qua, chưa có thời điểm nào mà tôi cảm thấy điêu đứng như hiện nay”.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM nhìn nhận: “Hoạt động vận tải hành khách vừa mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng nhưng DN vận tải hành khách ‘chưa kịp ngoi lên đã lại bị dìm xuống mặt nước’ khi xăng dầu tăng giá nhiều đợt và mức tăng lên đến mức cao nhất trong vòng chục năm qua, đây là một đòn khá nặng vào khối vận tải hành khách”.
Tại kỳ điều chỉnh ngày hôm nay (23/5), theo báo Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết giá xăng có thể tăng lần thứ 4 liên tiếp (tính từ ngày 12/4) với lý do đưa ra là xăng dầu thành phẩm thị trường Singapore tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhiều khả năng liên Bộ Công thương-Tài chính khó sử dụng Quỹ bình ổn vì theo báo cáo của các doanh nghiệp, quỹ này cũng đang âm.
Cụ thể, Quỹ bình ổn tại Petrolimex ngày 11/5 còn âm 53 tỷ đồng, PVOil vẫn âm hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi Saigon Petro tồn dương hơn 200 tỷ đồng.
Do đó, theo các doanh nghiệp, giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 23/5 sẽ tăng giá nếu liên Bộ Công thương-Tài chính không xả quỹ bình ổn. Với trường hợp không trích hoặc xả quỹ, giá xăng có thể tăng khoảng 700 đồng/lít.
Kiến Minh
Gián đoạn chuỗi cung ứng đe dọa mục tiêu về sản lượng của ôtô điện
Các hãng sản xuất ôtô điện trên thế giới cảnh báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang thách thức khả năng tăng trưởng của ngành xe điện.