Giá xăng đã 'đội đỉnh', bao giờ giảm thuế?

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 00:51:01

Giá xăng đã tăng 6 lần liên tiếp và đang ở ngưỡng lịch sử. Nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị phải chủ động giảm thuế để kìm giá xăng dầu nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương trả lời "sẽ cân nhắc", "tiếp tục rà soát, đề xuất"...


Ai cũng sợ lạm phát. Muốn kiểm soát lạm phát phải có kịch bản. Giá xăng đã tăng gấp đôi so với năm 2020 và tăng hơn 30% kể từ đầu năm, phả hơi nóng vào mọi ngóc ngách cuộc sống, liệu "cân nhắc, rà soát, đề xuất" có kịp chủ động kìm đà tăng của giá cả!?


Sòng phẳng ra, giá xăng dầu phải theo thị trường, "nước lên thuyền lên". Nhưng giá cả đang ở trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm, không chỉ với xăng dầu mà còn nhiều mặt hàng khác. Xăng dầu đã đội đỉnh, có quá nhiều câu hỏi "tại sao" về giá xăng dầu cần lời đáp:

1- Tại sao Malaysia trợ giá để có giá 13.000 đồng/lít xăng hay Đức miễn thuế nhiên liệu trong 3 tháng? Tại Việt Nam, mỗi lít xăng vẫn cõng trên 30% thuế phí, đẩy giá lên trên 31.000 đồng/lít, dù có giảm được 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường.

Từ tháng 3-2022, bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định trước Quốc hội rằng "nếu giá xăng dầu tăng cao, sẽ tiếp tục dùng công cụ thuế, phí", vậy giá bao nhiêu mới là cao?

2- Tại sao bộ trưởng Bộ Tài chính lại bày tỏ sự lo lắng rằng giảm thuế, xăng dầu sẽ chảy sang Lào, Campuchia? Chúng ta có bộ máy chống buôn lậu lại lo những can xăng, thậm chí xe bồn xăng dầu thẩm lậu sang nước bạn!

Không lẽ chúng ta đánh đổi giữa giảm thuế có lợi cho 100 triệu dân, cho nền kinh tế với một nhúm buôn lậu đường bộ, không phải tuồn bằng tàu hay sà lan bằng đường biển ngược ra quốc tế?

3- Bộ trưởng Bộ Công thương lo lắng ép giá xăng dầu xuống thấp sẽ thiệt hại cho nền kinh tế, sợ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, thao túng tiền tệ... trong khi các nước phát triển như Mỹ, châu Âu đã có giải pháp.

Chúng ta không bù lỗ xăng dầu, chỉ là giảm thuế. Việc giảm thuế không phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, vậy nói thiệt hại liệu có hợp lý?

4- Và cho đến nay, nhiều người vẫn chưa tâm phục khẩu phục việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với xăng tương tự như rượu, bia, thuốc lá... trong khi với hàng chục triệu dân đô thị, xăng là "máu" để lưu thông.

Không có xăng, dân đô thị chẳng biết đi đứng thế nào. Thôi thì có áp thuế cũng tạm tránh những lúc thị trường đang căng thẳng, giá cả đang bào mòn túi tiền người dân. Không còn thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng dịu lại, ai cũng được lợi, đâu chỉ người dùng xăng!

Những câu hỏi trên cần được sớm phản hồi cụ thể, không thể chung chung là "cân nhắc, rà soát, đề xuất" bởi cử tri và ngay đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ hay hội trường đều mong muốn dùng thuế để kìm giá xăng dầu.

Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Chính phủ cần sớm trình đề xuất tạm thời giảm, miễn thuế để Quốc hội quyết định, lồng ghép ngay trong nghị quyết cuối kỳ với mục tiêu lớn nhất là kiềm chế lạm phát, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Chống lạm phát là phải phòng ngự từ xa bởi lạm phát như một hòn đá ném xuống mặt ao, khi sóng đã dậy lên thì không cách nào cản được. Giờ có giảm thuế, e rằng hơi muộn. Nhưng đừng để những hòn đá nhỏ, rồi đá to, thậm chí đá tảng rớt xuống hồ!

Tỉ trọng thuế trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. Trong bối cảnh giá tăng cao, bộ đang tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế xăng dầu.

Chia sẻ Facebook