Giá vé xe tăng 10-20%, có nhà xe tăng tới 50%
Viện dẫn lý do giá xăng dầu tăng, nhiều nhà xe chạy tuyến TP.HCM đi các tỉnh đã tăng giá vé từ 10-20%, thậm chí có nhà xe tăng tới 50%.
Ghi nhận trên các trang web bán vé, nhiều nhà xe đưa thông tin giá vé "khá ảo" (thấp hơn nhiều so với thực tế).
Cụ thể một vài nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Tiền Giang hiển thị giá vé cho một lượt chỉ khoảng từ 50.000 - 80.000 đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ, các nhà xe đã tăng giá lên 110.000 đồng, tăng hơn 50% so với thông báo.
Niêm yết giá khác, bán giá khác
Liên hệ đặt vé nhà xe H.D sáng 30-3, nhân viên nghe máy cho biết giá vé đi TP.HCM đến Tiền Giang là 110.000 đồng/người. Chúng tôi thắc mắc cách đây vài hôm giá chỉ 70.000 đồng thì nhân viên nghe máy lý giải vé tăng từ ngày 26-3, vì lý do "xăng tăng giá".
Nhiều người dân cho biết cảm thấy bất ngờ với giá vé tăng đột biến những ngày gần đây.
Anh Huỳnh Hiếu (28 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: "Có lẽ do áp lực tăng giá xăng dầu nên các nhà xe đều tăng giá vé. Là hành khách thường xuyên sử dụng loại phương tiện này, tôi rất cảm thông. Tuy nhiên, việc tăng vé hơn 50% một lượt thì hơi cao, hơn cả giá những ngày cận Tết".
Tại bến xe Miền Đông, tình trạng tăng giá vé cũng xảy ra tương tự. Bảng điện tử thông báo giá vé tại các quầy vé cũng niêm yết giá cao hơn so với thời gian trước.
Liên hệ một nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Đắk Lắk, nhân viên báo giá 250.000 đồng/lượt đối với loại xe giường nằm, trong khi trước đây giá vé chỉ 220.000 đồng/lượt.
Nhiều nhà xe xin tăng giá vé
Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Trần Nhân Hậu, trưởng phòng điều hành của bến xe Miền Tây, cho biết tại bến hiện có 46/127 đơn vị kê khai tăng giá vé.
Giá vé tăng khoảng 10-20%, mức tăng này do các đơn vị tính toán các chi phí và gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) nơi đơn vị đó đăng kí phê duyệt, sau đó chuyển về bến xe để niêm yết giá cho người dân được biết.
Còn ông Đỗ Phú Đạt, phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết áp lực từ việc nhiên liệu tăng giá và khó khăn trong kinh doanh vận tải do dịch COVID-19, nên nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá vé.
Về việc nhiều nhà xe chạy tuyến cố định từ TP.HCM đi các tỉnh tăng giá vé thời gian qua, ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở có tiếp nhận hồ sơ kê khai điều chỉnh giá của 20/57 đơn vị.
Có 20/57 đơn vị kê khai điều chỉnh giá tuyến cố định từ TP.HCM đi các tỉnh. Các đơn vị thực hiện kê khai, niêm yết giá theo quy định tại các bến xe trong TP.HCM. Phần lớn các đơn vị điều chỉnh tăng giá vé vì nguyên nhân tăng giá nhiên liệu, mức tăng dao động từ 4-25%.
Có một số đơn vị điều chỉnh tăng giá vé do các khoản chi phí khác tăng như tiền lương và các khoản chi phí với mức tăng từ 20-40%.
Đối với việc một số nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Tiền Giang tăng hơn 50% giá xe, ông Hưng khẳng định trong các hồ sơ kê khai của các đơn vị mà Sở GTVT tiếp nhận không có đơn vị nào kê khai tăng giá vé tuyến này 50-60%. Sở GTVT sẽ rà soát lại vấn đề này.
"Khi các đơn vị vận tải hành khách gửi đơn kê khai tăng giá, Sở GTVT TP chỉ tiến hành tiếp nhận, ghi nhận đơn theo quy định, sau đó thông báo với các đơn vị, bến xe để cập nhật giá niêm yết.
Tuy nhiên, Sở GTVT sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các bến xe để xem các đơn vị vận tải có để mức giá đúng như đã đăng ký hay không, căn cứ vào đó để có những biện pháp xử lý thích hợp", ông Hưng cho biết về quy trình.
Năm 2022: đặt chỉ tiêu đạt 402 triệu lượt hành khách
Theo Sở GTVT TP.HCM, khối lượng vận tải hành khách năm 2021 đạt 159,6 triệu lượt hành khách, giảm 58,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 385,5 triệu lượt hành khách) và đạt 25% so với kế hoạch năm 2021 là 638,4 triệu lượt hành khách.
Trong năm 2022, Sở GTVT đặt chỉ tiêu (dự kiến) đạt 402 triệu lượt hành khách.
Trong trường hợp có biến động lớn về giá, có biện pháp bình ổn phù hợp. Các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung.