Giá vàng sau 30/4 - 01/5 sẽ thế nào?
Vàng vừa kết thúc tháng 4 với mức giảm tổng cộng 1,4%, là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 1 do nhà đầu tư đặt cược vào việc tăng lãi suất.
Giá vàng tăng 1% trong phiên cuối tuần, 29/4, do USD giảm giá, với vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,9% lên 1.911,14 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2022 tăng 1,1% lên 1.911,70 USD/ounce.
Edward Meir, nhà phân tích thuộc ED&F Man Capital Markets cho biết: "Dữ liệu GDP và chỉ số chi phí trong dữ liệu việc làm cho thấy lạm phát vẫn đang ở mức khá nóng, điều này nói chung là hỗ trợ cho vàng".
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – trong phiên 29/4 giảm 0,7%, sau khi chạm mức cao nhất 20 năm ở phiên liền trước (28/4), khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác, là lý do khiến giá vàng tăng trong phiên cuối tuần.
Tăng thêm sức hấp dẫn cho vàng thỏi là dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bất ngờ thu hẹp trong quý đầu tiên của năm nay giữa bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và dòng tiền từ Chính phủ để cứu trợ cho người dân và doanh nghiệp chống lại dịch Covid-19 giảm
Ông Meir của ED&F Man cho biết: "Thị trường vàng đã chứng kiến sự bán tháo liên tục trong những tuần qua khi đồng USD tăng giá".
Chi phí lao động của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 21 ở quý đầu tiên của năm, cho thấy lạm phát tiền lương tăng và thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hướng tới lập trường chính sách thắt chặt tiền tệ.
Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát tăng cao và những bất ổn, nhưng lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng - vốn không có lãi suất này.
Thị trường nhìn chung đang kỳ vọng lãi suất của Mỹ cuối năm nay sẽ ở mức trên 3%. Tuy nhiên, có vẻ như một số nhà đầu tư đang nhận ra rằng có thể kỳ vọng của thị trường đã cao hơn những gì mà Fed dự định.
Điều đó không phải không có cơ sở. Fed đang phải đối phó với mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng khi giá tiêu dùng vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, có vẻ ít khả năng ngân hàng trung ương Mỹ có thể thực hiện được hết những điều mà họ muốn khi lo ngại suy thoái và lạm phát đình trệ bắt đầu gia tăng.
Dữ liệu tuần qua cho thấy GDP của Mỹ quý 1/2022 giảm 1,4%, và nhà kinh tế lưu ý rằng phần lớn sự suy giảm trong hoạt động kinh tế là do mất cân bằng thương mại. Mặc dù người tiêu dùng Mỹ vẫn ủng hộ tích cực cho nền kinh tế của mình bằng việc tăng cường chi tiêu, song các ‘vết nứt’ đang bắt đầu xuất hiện trên ‘nền móng’ của kinh tế Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng có thể trụ được bao lâu khi lạm phát tiếp tục tăng? Chỉ số chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân cốt lõi tháng 3 tăng ít hơn dự kiến, chỉ đạt 5,2%, mặc dù nếu tính cả năng lượng và thực phẩm thì mức tăng lạm phát rõ rệt hơn nhiều – là 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Không may cho Fed là lãi suất tăng sẽ không có tác động nhiều đến chi phí thực phẩm và năng lượng. Những lĩnh vực này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga với Ukraine. Vì vậy, Fed không thể làm gì nhiều để giải quyết các vấn đề từ phía cung.
Điều đó không có nghĩa là họ không nên làm gì cả, nhưng có nghĩa là lạm phát sẽ không sớm biến mất. Đây là lý do lớn nhất giải thích cho việc các ngân hàng lớn vẫn lạc quan về vàng. Tuần trước, cả Commerzbank và Scotiabank đều tăng dự báo về giá vàng trong năm 2022. Theo đó, cả hai ngân hàng đều nhận định giá vàng trung bình trong năm vào khoảng 1.900 USD/ounce.
"Các nhà đầu tư vàng có thể đang đặt cược rằng Fed sẽ tránh con đường hành động chính sách một cách tích cực nhất vào cuối năm nay vì sợ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể; điều đó có lẽ sẽ khiến lạm phát vẫn cao trong thời gian dài, mà vàng thỏi được coi là hàng rào chống lại lạm phát", Marc Desormeaux, nhà kinh tế cấp cao thuộc Scotiabank.
Vì vậy, các thị trường hiện đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của ngân hàng trung ương Mỹ, bắt đầu vào ngày 3 tháng 5. Đây được coi là sự kiện quan trọng nhất đối với kim loại quý.
Về triển vọng giá vàng tuần tới, các nhà phân tích Phố Wall lại một lần nữa lạc quan về vàng, song các nhà đầu tư bán lẻ không lạc quan được như vậy.
Tuần này, 17 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát về triển vọng giá vàng của Kitco News. Trong số những người tham gia, 9 nhà phân tích, chiếm 53%, dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới; 4 nhà phân tích, tương đương 25%, dự báo giá giảm, và 3 người, tương đương 18%, dự báo giá đi ngang.
Trong khi đó, 904 người tham gia khảo sát trực tuyến trên Phố Chính. Trong số đó, 446 người, tương đương 49%, cho rằng vàng sẽ tăng giá vào tuần tới; 306 người khác, tương đương 34%, dự báo giá giảm, trong khi 152 ngời, tương đương 17%, có ý kiến trung lập. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 9 tâm lý lạc quan trên thị trường giảm xuống dưới 50%.
Sự thay đổi tâm lý giữa các nhà đầu tư trên Phố Chính diễn ra do giá vàng phải vật lộn để tìm ra động lực tăng giữa lúc phải đối mặt với đồng đô la Mỹ tăng giá. Tuần trước, chỉ số đô la Mỹ đã tăng lên 103,93 điểm, mức cao nhất trong gần 20 năm. Chỉ số đô la Mỹ đã tăng 3,5% so với thời điểm giảm xuống dưới 100 điểm trong ngày 19 tháng 4.
Theo một số nhà kinh tế, đồng USD đã tìm thấy động lực mạnh mẽ khi Fed chuẩn bị tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới.
Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao của City Index cho biết: "Động thái tăng giá của đồng USD có vẻ rất căng. Sẽ là ‘điềm báo’ tốt cho vàng nếu USD hạ nhiệt".
David Madden, nhà phân tích thị trường thuộc Equiti Capital, cũng cho rằng đồng USD có vẻ tăng hơi quá trước cuộc họp của Fed. Ông nói thêm rằng bất kỳ giọng điệu trung lập hoặc ôn hòa nào từ ngân hàng trung ương Mỹ cũng có thể khiến đồng USD giảm xuống và đẩy giá vàng tăng lên. Theo ông Madden, Fed có thể không muốn cam kết tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản nhiều hơn một lần. Ông nói: "Điều cuối cùng mà Fed muốn làm là không mắc phải một sai lầm chính sách có thể đẩy nền kinh tế vào giai đoạn suy thoái sớm"
Ông Adrian Day, chủ tịch của Adrian Day Asset Management, cho biết ông cũng đang nghĩ rằng đồng đô la Mỹ sẽ mất giá vào tuần tới.
"Các yếu tố tiền tệ đang hậu thuẫn giá vàng, ngoại trừ một điều: sự rụt rè hoặc thiếu thận trọng của các ngân hàng trung ương lớn bên ngoài nước Mỹ khiến Cục Dự trữ Liên bang gần như nổi bật khi so sánh với các ngân hàng trung ương khác, thúc đẩy đồng USD mạnh lên và gây áp lực lên vàng. Nhưng đồng đô la có thể đã đạt đến đỉnh điểm; và hơn thế nữa, khi thị trường tiền tệ biến động nhiều thì vàng chính là tài sản duy nhất có thể tin cậy được, "ông Day nói.
Theo: Kitco, Reuters
Theo Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống kinh tế