Giá vàng giảm vài trăm nghìn đồng
Phiên giao dịch sáng nay (6/4), giá vàng trong nước đồng loạt đi xuống tại các hệ thống kinh doanh.
Thời điểm 9h25, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được ở mức 68,1 - 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua (5/4).
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, doanh nghiệp cũng điều chỉnh giảm giá vàng SJC 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Hiện giá vàng giao dịch quanh mức 68 - 68,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp giao dịch ở mức 68,11 - 68,74 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 50.000 đồng cả ở chiều mua và chiều bán so với cuối phiên hôm qua.
Giá vàng thế giới
Trên thị trường vàng thế giới, lúc 7h30, giá vàng giao ngay trên Kitco đứng ở mức 1.922 USD/ounce (tương đương 53,07 triệu đồng/lượng), giảm 10 USD so với hôm qua (5/4). Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, giá vàng trong nước đang đắt hơn vàng thế giới 15,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sụt giảm bình luận "diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về chính sách lãi suất. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/4, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Lael Brainard nhấn mạnh, FED sẽ thực hiện 7 lần tăng lãi suất trong năm nay để hạ nhiệt lạm phát.
Phát biểu này của quan chức FED đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt lên mức 2,466%. Lợi suất trái phiếu tăng cao đã gia tăng áp lực lên thị trường kim loại quý.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp trong tháng 3 vừa qua của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư (6/4) tuần này.
Biên bản cuộc họp của FOMC sẽ tiết lộ chi tiết về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Với văn bản này, các nhà đầu tư sẽ có thêm manh mối về động thái của FED trong việc thắt chặt tiền tệ và xu hướng lạm phát tại Mỹ trong thời gian tới.
Thống kê từ Hội đồng Vàng thế giới (WQC) cho thấy, 6 tấn vàng đã "chảy" khỏi kho dự trữ của các ngân hàng trung ương trong tháng 2. Tuy nhiên, dự trữ vàng trên toàn cầu vẫn trên 35.600 tấn - mức cao nhất kể từ năm 1990.
Theo WGC, Uzbekistan là quốc gia bán nhiều vàng nhất trong tháng 2, với 22 tấn. Tiếp theo là Qatar bán 6 tấn, Mông Cổ bán 1 tấn và Đức bán 1 tấn. Trường hợp của Đức, WGC suy đoán rằng việc bán vàng của quốc gia này liên quan đến việc đúc tiền.
Báo cáo cũng chỉ ra, trong tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đang thống trị thị trường vàng ở phía mua khi bổ sung thêm 25 tấn, Ấn Độ mua thêm 2,6 tấn vàng. WGC đánh giá, về dài hạn, vàng vẫn là một tài sản hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương khi đồng USD suy yếu.
Cùng chung quan điểm, các chiến lược gia từ TD Securities cho biết, vàng còn nhiều "đất" phát triển khi tình hình kinh tế, chính trị còn bất ổn. "Kim loại quý sẽ giữ vai trò là hàng rào chống lại lạm phát cho đến khi các thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga - Ukraine được thông qua", hãng TD Securities phân tích.
Dù vàng chịu áp lực chốt lời khá mạnh, nhưng mặt hàng này vẫn được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.
"Ngay cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine chấm dứt, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn khó được như trước. Giá hàng hóa vẫn sẽ cao và gây áp lực lạm phát lên các nền kinh tế", Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF trên Kitco nhận định. Trong bối cảnh lạm phát cao, vàng là kênh đầu tư được lựa chọn.
Sáng nay (5/4), giá vàng trong nước tại một số cơ sở kinh doanh đi ngang.