Giá ure trong nước những tháng cuối năm sẽ như nào?

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 07:01:31

Theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm, cộng thêm giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí, giá ure trong nước được dự báo tăng ở quý IV.


Dự báo tăng thêm 20% trong quý IV/2023


Báo Tin tức đăng tải, theo phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Agroviet, trong ngắn hạn, thị trường có xu hướng dư cung ure do nguồn cung từ Nigeria và Đông Nam Á phục hồi, còn xuất khẩu ure của Trung Quốc dự kiến tăng. Trong khi đó, nhu cầu phân bón ure dường như không cải thiện khiến cả thương nhân và nhà nhập khẩu đều có xu hướng giảm giá chào bán.


Tại Indonesia, trong tuần cuối tháng 8, Pupuk Indonesia đã đóng đấu thầu bán 30-45.000 tấn ure hạt đục và 28.000 tấn ure hạt trong, giao hàng trong nửa đầu tháng 9. Theo đó, giá thầu cao nhất với ure hạt đục ở mức 392 USD/tấn FOB và Ure hạt trong ở mức 377,5 USD/tấn Fob (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán); so với giá thầu cao nhất trong đấu thầu đóng trước đó giá đã giảm 22,54-28,65 USD/tấn.


Trên thị trường, giá ure thế giới trong tuần cuối tháng 8 đã giảm 15-20 USD/tấn so với tuần trước đó tại hầu hết các thị trường trong bối cảnh giá trong đấu thầu mua hàng của Ấn Độ thấp hơn kỳ vọng...


Tại Trung Đông, giao dịch giao ngay kém thanh khoản và chỉ diễn ra giao dịch với các lô hàng được xác nhận sẽ được giao đến Ấn Độ trong đấu thầu của IPL. Tại Iran, các nhà sản xuất chào giá ure hạt đục Iran ở mức 350 USD/tấn Fob, giảm 20 USD/tấn so với tuần trước đó và giảm 40 USD/tấn so với đầu tháng 8.

Dự báo giá phân ure giao ngay tại các thị trường chủ chốt trên thế giới trong thời gian tới.Nguồn: Bloomberg, Argus, BVSC


Tại khu vực Đông Nam Á, hoạt động giao dịch tại các ngày trong tuần cuối tháng 8 ở mức thấp. Tại Brunei, BFI chào giá hàng giao ngay tháng 9 ở mức 400-410 USD/tấn Fob nhưng không có giao dịch được báo cáo.


Tại Brazil, giá ure giảm 18 USD/tấn xuống mức 370-380 USD/tấn CFR (giá CFR bao gồm tiền hàng cộng với cước phí) khi người bán tiếp tục tìm kiếm thanh khoản trên thị trường. Hầu hết các chào giá trong tuần này không nhận được sự quan tâm của người mua, người mua chấp nhận mua hàng ở mức 370 USD/tấn CFR nhưng không có giao dịch ở mức này.


Tại Biển Đen, giao dịch giao ngay kém thanh khoản do người bán gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu mua hàng và không sẵn sàng chấp nhận mức giá tại các thị trường trong khu vực.


Tại Trung Quốc, giá xuất xưởng ure hạt trong trong tuần cuối tháng Tám giảm nhẹ 1% so với tuần trước xuống mức 2490-2550 NDT/tấn (tùy khu vực) trong bối cảnh nhu cầu mua hàng của các nhà máy phân bón hỗn hợp ở mức cao.  Giá xuất xưởng ure hạt trong của Trung Quốc trong tuần cuối tháng 8 giảm nhẹ 1% (8-25 NDT/tấn) so với tuần trước xuống mức 2490-2550 NDT/tấn (tùy khu vực).


Nhiều chuyên gia dự báo giá phân ure thế giới trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ theo xu hướng biến động của giá than và khí nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, việc Nga áp đặt hạn ngạch mới ở mức 16,3 triệu tấn cho xuất khẩu phân bón. Trong đó 10,66 triệu tấn hạn ngạch áp dụng cho phân Ure, UAN và AN, có hiệu lực từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023 cũng là yếu tố có thể khiến giá phân ure tăng trong những tháng cuối năm.


Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Argus, giá phân ure ở các khu vực chủ chốt trên thế giới dự báo dao động từ 330-380 USD/tấn trong quý 4/2023, tăng 20% so với quý 3/2023.


Thị trường trong nước dự báo tăng nhẹ


Tại thị trường Việt Nam, với nhu cầu tiêu thụ nội địa ở mức thấp và xuất khẩu cũng chưa ghi nhận có lô hàng mới nên các giao dịch hiện khá trầm lắng. Hiện nhu cầu tiêu thụ phân ure cho cây trồng tại các khu vực đều ở mức thấp/hạn chế. Tại miền Bắc, nhiều diện tích lúa Hè Thu đã bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ chậm. Khu vực miền Trung đã và đang thu hoạch lúa Hè Thu nên nhu cầu tạm ngưng. Tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhu cầu tiêu thụ tại một số khu vực sạ muộn đầu tháng 8 gia tăng (An Giang), trong khi sụt giảm tại hầu hết các tỉnh sạ lúa trong tháng 7 (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp), nhu cầu ở mức thấp.


Giá ure hiện dao động với biên độ hẹp. Hiện sức mua trên thị trường yếu nên các nhà phân phối và đại lý chào giá sang tay ure Hà Bắc ở mức 9.500-9.900 đồng/kg, giảm 75 đồng/kg so với hai tuần trước đây. Tại Sài Gòn, các nhà phân phối chào bán ure ở mức 9.700-9.800 đồng/kg, giảm 350 đồng/kg so với hai tuần trước đó.


Dự kiến đầu tháng 9 này, tàu ure Brunei được Công ty Tường Nguyên nhập khẩu về Việt Nam và chào giá ở mức 10.800 đ/kg, giảm 200 đồng/kg so với hai tuần trước do sức mua yếu.


Theo khảo sát tại thị trường, với nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế nên các thương nhân và nhà phân phối dường như không lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, do đó không xảy ra tình trạng gom hàng.

giá ure trong nước đang được nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trong quý IV tới.


Tuy nhiên, theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây, nhu cầu phân bón ure sẽ tăng mạnh hơn trong quý IV - thời điểm vụ Đông Xuân - nên giá phân ure sẽ có thể sẽ điều chỉnh tăng. Ngoài ra, giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí. Vì vậy, giá ure trong nước đang được nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trong quý IV tới.


Tuy nhiên, theo Bảo Việt Securities ( BVSC) dự báo với Tạp chí Công thương , giá phân ure trong nước sẽ chỉ tăng nhẹ, không thể tạo ra một “cơn sốt” như trong năm 2021 và 2022, trừ khi có biến động địa chính trị bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân bón sản xuất phân bón cũng hạn chế ra hàng và “cầm chừng” trong việc nhập khẩu.


Ngoài ra, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt trong nước, gây ra tình trạng xâm nhập mặn vào đất liền trong mùa khô (kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) cho khu vực Tây Nam Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến diện tích gieo trồng, từ đó tác động đến nhu cầu phân bón. Theo BVSC, hiện tượng El Nino sẽ bắt đầu có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ phân bón kể từ cuối năm 2023 - thời điểm bắt đầu mùa khô ở khu vực Tây Nam Bộ.


Rủi ro tiềm tàng với doanh nghiệp nội địa


Trao đổi với Economy, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện nay vẫn tiềm tàng rủi ro từ phân bón nhập khẩu giá rẻ.


Trong bối cảnh nguồn cung thế giới dần hồi phục và giá bán ổn định như  đã đề cập ở phía trên, sản lượng tiêu thụ sẽ là động lực chính hỗ trợ cho ngành phân bón nội địa trong 2023.


VDSC cho rằng giá phân bón giảm có thể kích thích nhu cầu tiêu thụ trong 2023. Dự báo giá ure rơi vào khoảng 9.600 đồng/kg, NPK khoảng 11.800 đồng/kg trong 2023, khi đó, sản lượng tiêu thụ của DPM/BFC đạt 791.000 tấn (ure)/600.000 tấn (NPK).


Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của DPM có thể bị ảnh hưởng bởi đơn giá khí đầu vào cao, do các nguồn khí giá rẻ (đơn giá vận chuyển thấp), được ưu tiên cho các nhà máy điện.


Hơn nữa, giá dầu FO khó có xu hướng giảm khi mà giá dầu Brent được dự báo ở mức 80-90 USD/thùng. Ngoài ra, các công ty nội địa có thể đối mặt với sức ép từ sản phẩm nhập khẩu với mức giá rẻ hơn.


Hương Anh (t/h)

Chia sẻ Facebook