Giá thuê sạp chợ Đại Quang Minh: Tiểu thương nói cao, 'chủ chợ' bảo thấp
Nhiều tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh (quận 5) - chợ nguyên phụ liệu may mặc lớn nhất TP.HCM - cho rằng việc tăng giá cho thuê sạp đến 200% là quá cao, còn phía "chủ chợ" cho biết chỉ tăng giá 100 - 120%, và "dọa" sẽ nhờ cơ quan chức năng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh phản ảnh của tiểu thương chợ Đại Quang Minh về việc tăng giá thuê sạp trên 200% và bị chiếm dụng vốn, ông Phạm Thế Hanh - tổng giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ Sài Gòn (Satraseco), đơn vị quản lý chợ Đại Quang Minh - khẳng định thông tin trên chưa đúng bản chất sự việc và cho biết sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp "nếu tiểu thương có hành động tiêu cực".
"Chủ chợ": sẽ nhờ pháp luật can thiệp
Theo ông Hanh, việc tăng giá áp dụng từ ngày 1-7-2022 và chia thành nhiều đợt, công ty đã thông báo tăng giá cho tiểu thương trước 3 tháng. Việc tăng giá được chia làm 2 đợt, đợt 1 (từ ngày 1-7) tăng 40 - 50% giá cho thuê và đợt 2 (6 tháng đầu năm 2023) sẽ tăng 40 - 50%.
Tính chung 2 đợt tăng giá cho thuê, theo ông Hanh, trong số 138 quầy sạp có 93 quầy sạp có mức tăng dưới 100% so với năm 2021, số còn lại có mức tăng 105 - 120%. Chỉ duy nhất một trường hợp tăng giá cho thuê 206% do diện tích quầy sạp bị đo sai (từ 2,7 m 2 đo lại lên 4,2 m 2 ).
"Mức tăng như trên là phù hợp vì giá cho thuê mặt bằng của chúng tôi nhiều năm qua không được điều chỉnh, duy trì ở mức 2-5 triệu đồng/quầy sạp, chỉ bằng 30 - 50% so với mặt bằng chung ở khu vực này", ông Hanh nói và cho biết không chiếm dụng vốn của tiểu thương.
Ông giải thích thêm rằng doanh nghiệp chỉ thu tiền đặt cọc 3 tháng và tiền thuê mặt bằng từ tiểu thương, còn dạng thu hộ chi hộ (điện, nước, vệ sinh...) là phù hợp với quy định pháp luật và hợp đồng.
"Satraseco là chủ sở hữu hợp pháp đối với Đại Quang Minh nên toàn quyền định đoạt đối với việc cho thuê mặt bằng tại đây, các tiểu thương chỉ có quyền sử dụng quầy sạp theo hợp đồng cho thuê. Đơn vị giữ quan điểm việc tăng giá thuê như trên, nếu hết hạn hợp đồng mà tiểu thương không ký mới và có hành động tiêu cực thì chúng tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp", ông Hanh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hanh cũng cho biết mong muốn đối thoại, thương lượng với tiểu thương để tìm giải pháp phù hợp. Những tiểu thương ký hợp đồng sớm sẽ được giảm 20% tiền thuê sạp và được xem xét ký hợp đồng lâu dài. Ông Hanh cũng cam kết đơn vị này sẽ chi 2-3 tỉ đồng để sửa sang cơ sở vật chất trong năm nay.
Tiểu thương: phản đối việc tăng giá mặt bằng
Nhiều ngày qua, theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ lối vào cổng chợ Đại Quang Minh có hàng loạt biển đỏ với nội dung "phản đối tăng giá thuê trên 200%", một số sạp còn nghỉ bán để phản đối Satraseco tăng giá cho thuê.
Các tiểu thương cũng làm đơn xin tạm ngưng kinh doanh gửi lên Chi cục Thuế quận 5. Các tiểu thương cho biết có hơn 130 tiểu thương treo biển phản đối và yêu cầu doanh nghiệp đối thoại với tập thể tiểu thương về vấn đề trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-6, chị T.T.V. (tiểu thương) cho biết hầu hết tiểu thương vẫn giữ quan điểm phản đối việc tăng giá mặt bằng và chưa ký hợp đồng mới. Theo chị V., ngay sau khi vừa hết dịch, công ty đã tăng lên 10% vào đầu tháng 11, bây giờ ký hợp đồng 6 tháng tăng lên 50% và sau đó lại lên 50% nữa là không chấp nhận được.
"Mình không đồng ý với mức giá và đề nghị tính lại giá cho tiểu thương nhưng công ty vẫn không đối thoại trực tiếp mà chỉ gửi thư yêu cầu họp từng người. Mình yêu cầu họp tập thể vì đây không phải chuyện của riêng ai", chị V. bức xúc.
Kinh doanh hơn chục năm nay tại chợ, cô T.Tr. cho biết chợ hình thành tới bây giờ là nhờ tiểu thương bỏ mồ hôi nước mắt để làm mấy chục năm qua. Trong khi đó, nền gạch và trần nhà đều bể, ở trên ống cống bị rỉ nước...
"Họ chỉ sửa tạm, lấy nilông cuộn lại thôi. Đi hỏi nhiều chợ khác thì không nơi nào có mức giá cho thuê cao như vậy, chỉ 3m² mà đóng 300.000 đồng/ngày. Vốn bỏ ở đây mà không ngồi đây thì không bán được", cô Tr. bức xúc.
Chính quyền không thể can thiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ , đại diện Phòng kinh tế quận 5 cho biết đây là giao dịch dân sự giữa bên cho thuê và bên đi thuê nên địa phương không thể can thiệp sâu vào phương án giá.
Tuy nhiên, chính quyền cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị công ty xem xét tính toán lại đơn giá cho thuê cũng như có phương án đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại và giải thích cho tiểu thương hiểu để đồng ý các điều khoản trong hợp đồng.
Các chợ đầu mối như An Đông, Bến Thành, Bà Chiểu... một thời nhộn nhịp kẻ mua, người bán thì hiện tại không khí đìu hiu len lỏi khắp ngóc ngách khu chợ sầm uất, dù hoạt động của thành phố đã trở lại bình thường.