Giá thuê quá sức khách hàng, loạt nhà mặt phố "vườn không, nhà trống"
Chủ nhà cương quyết thà để nhà trống chứ không giảm giá thuê, khách thuê thì đau đầu với chi phí mặt bằng khiến loạt nhà phố cổ nằm không cả mấy tháng trời.
Tại nhiều tuyến phố cổ Hà Nội, những cung đường được mệnh danh là “đất vàng”, “buôn gì cũng lãi” như Hàng Ngang, Hàng Bồ, Hàng Đào,… mấy tháng nay đều đang đồng loạt treo biển cho thuê.
Đáng chú ý, đây đều là những vị trí đắc địa từng được cho thuê với giá từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng đến nay, nhiều mặt bằng này đều cửa đóng then cài, không có một bóng người qua lại.
Ngay tại một số tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), toạ lạc ngay tại phố đi bộ Hồ Gươm, nơi đông đúc hoạt động giao thương buôn bán nằm giữa trung tâm Hà Nội cũng đóng cửa im lìm, treo biển cho thuê mặt bằng.
Hay như tại phố Tạ Hiện, nơi nổi tiếng là phố “ăn chơi” của người dân Hà thành, luôn tấp nập lượng người qua lại từ trong nước đến du khách nước ngoài cũng xuất hiện những tấm biển thuê nhà.
Giá thuê nhà phố gần trăm triệu đồng/tháng
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 do Batdongsan.com.vn tổng hợp, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực đến từ các thông tin quy hoạch chung, hạ tầng giao thông và các chính sách. Một số phân khúc của thị trường này cũng có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, so với quý I/2023, thị trường cho thuê chỉ ghi nhận sự tăng trưởng của mức độ quan tâm đối với phân khúc nhà phố chỉ ở mức 1%, gần như đi ngang so với quý liền kề trước đó.
Trong khi đó, giá rao thuê ghi nhận giảm mạnh ở nhiều quận, huyện như Ba Đình giảm 19%, Hoàng Kiếm giảm 3%...
Lý giải cho điều này, phía Batdongsan.com.vn cho rằng tình hình kinh doanh kém khởi sắc của các đơn vị bán lẻ đã gây ra áp lực kinh tế lớn trong việc duy trì mặt bằng cho thuê. Nhiều doanh nghiệp đã phải trả lại cửa hàng hoặc dừng hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình hoạt động của phân khúc bất động sản cho thuê.
Trao đổi với Người Đưa Tin , chị Trần Minh Anh (29 tuổi) đang kinh doanh quán Cafe Rooftop (cafe tầng thượng) tại phố Lý Nam Đế cho biết, để thuê 2 mặt bằng tầng thượng có tổng diện tích rơi vào khoảng 100m2 trên phố Lý Nam Đế, mỗi tháng chị phải chi trả hơn 60 triệu đồng.
Vậy nhưng thời gian vừa qua tình hình kinh tế khó khăn, số lượng người dân sử dụng dịch vụ ngày càng sụt giảm khiến doanh thu của quán chị đi xuống rõ rệt.
“Trước đây, mỗi tháng quán mình thu ít nhất từ 150-220 triệu đồng từ việc kinh doanh, nhưng đến nay trung bình mỗi ngày chỉ thu về hơn 3 triệu đồng, thậm chí có ngày còn chưa đến 2 triệu đồng doanh thu, chỉ đủ trả tiền nhà. Mình cũng đang tính đến phương án chuyển quán sang khu vực xa trung tâm để đỡ chi phí thuê mặt bằng”, chị Minh Anh bộc bạch.
Về phía người cho thuê nhà, tình hình cũng không khá khẩm hơn là mấy. Sở hữu căn nhà 3 tầng trên phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng) hiện đang treo biển cho thuê có diện tích sử dụng tầng 1 lên tới 170m2, không ngăn vách nên thích hợp cho văn phòng thuê lâu dài.
Theo chị Thu Hương (42 tuổi) chủ nhân căn nhà, cách đây hơn chục năm giá thuê đã là 75 triệu đồng, giờ dù đã để rẻ hơn giá thị trường là 90 triệu đồng nhưng vẫn chưa có người đến thuê.
Chị Hương cho biết, nhiều người cũng gọi điện hỏi thuê nhà, song đến khi nghe báo giá thì đều ậm ừ bảo có thời gian rảnh sẽ qua xem hoặc nói rằng để suy nghĩ thêm rồi cũng “mất hút”. Từ đó cho đến nay đã nhiều tháng trôi qua nhưng căn nhà vẫn đang trong diện treo biển tìm chủ mới.
Chủ nhà thà bỏ trống chứ quyết không giảm giá
Dù giai đoạn khó khăn do chịu tác động Covid-19 đã kết thúc, tưởng chừng như mọi hoạt động kinh tế sẽ sớm hồi phục hơn bao giờ hết thế nhưng đất vàng phố cổ lại chịu ảnh im lìm.
Anh Nguyễn Trọng Long (35 tuổi) hiện đang sở hữu một căn nhà tại phố Lò Sũ, đồng thời là môi giới cho thuê phân khúc bất động sản nhà phố cho biết, vấn đề khiến khách thuê quay lưng với nhà mặt phố chính là giá cả.
Thứ nhất, phân khúc nhà phố luôn được rao thuê với mức giá gần trăm triệu đồng trở lên, các khu vực trung tâm phố cổ diện tích lớn tiền thuê lên tới cả vài trăm triệu/tháng. Trong thời điểm kinh doanh eo hẹp như hiện nay, việc chi phí đầu tư mặt bằng quá lớn đối với khách hàng, khiến họ cảm thấy rủi ro cao.
Thứ hai, chủ nhà thường ra điều kiện với khách thuê phải cọc ít nhất 1 tháng và ký hợp đồng từ là 6 tháng đến 1 năm khiến khách thuê e dè. Việc phải đóng “nguyên cục tiền” lớn đối với khách thuê nhà thời điểm này đã đặt ra một bài toán kinh tế khó nhằn.
Ngoài ra, sức mua ở hầu hết ngành hàng đều đang ở mức thấp. Trong khi đó chi phí thuê mặt bằng các khu vực trung tâm thì luôn đắt đỏ, “giá thuê nhà phố chỉ có tăng mà không thấy giảm khiến nhiều đơn vị không thể gánh nổi”, anh Long nói.
Dù được nhiều người tìm đến hỏi thuê nhưng đa phần chủ nhân các căn nhà phố đều có tâm lý giữ giá, thà bỏ trống chứ nhất định không hạ giá thuê cho phù hợp.
Theo đó, anh Long cho biết từ đầu năm đến nay anh mới chỉ chốt được 2 giao dịch, một mặt bằng trên phố Khúc Hạo (Ba Đình, Hà Nội) với giá thuê 85 triệu đồng/tháng, đóng trước 1 năm không cọc; một cửa hàng nhỏ trên phố Lý Nam Đế với giá thuê 45 triệu đồng/tháng đóng 6 tháng cọc 3 tháng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin , ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thực tế hiện nay nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố đắc địa vẫn đang tăng cao.
Nguyên do bởi nhu cầu giao thương buôn bán đang sôi động trở lại, thị trường buôn bán nhà đất “đóng băng” khiến bất động sản cho thuê trở thành điểm sáng.
Dù vậy, trên thị trường vẫn ghi nhận tình trạng nhà thuê bị bỏ trống do mức giá đang neo ở mức quá cao khiến chủ nhà và người thuê nhà không tìm được tiếng nói chung. Dù phân khúc này có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, nhưng cần sự chia sẻ từ phía chủ nhân mặt bằng để đưa ra những mức giá phù hợp hơn .