Giá thực phẩm tăng 37%, nghèo đói tăng lên

Chia sẻ Facebook
24/04/2022 13:53:04

Trong một báo cáo công bố ngày 20-4, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính giá thực phẩm đã tăng khoảng 37% so với năm ngoái trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài. WB cũng cảnh báo hàng triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo khó.

Một người đàn ông vác bao tỏi tại chợ Pettah, Colombo, Sri Lanka vào ngày 18-4. Sri Lanka đang chìm trong bất ổn do suy thoái kinh tế - Ảnh: Reuters


Lãnh đạo của cả WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lưu ý lãi suất tăng đang bóp chết các nước nghèo nhất thế giới.


Hệ thống lương thực thế giới đang bị thách thức bởi xung đột, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nói tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào hôm 21-4, kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các đối tác thúc đẩy các biện pháp xử lý việc nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng giá.


Phản ứng dây chuyền

Tình hình Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao. Nhưng theo Chủ tịch WB David Malpass, vấn đề còn đáng lo hơn khi thu hoạch nông sản trong tương lai cũng sẽ giảm xuống do giá phân bón tăng. Bà Beth Dunford, phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp của Ngân hàng Phát triển châu Phi, cho biết giá phân bón đã tăng gấp đôi ở lục địa châu Phi và tình trạng thiếu nguồn cung đang diễn ra.

Trong buổi họp bên lề của Cuộc họp mùa xuân do WB và IMF tổ chức, ông Malpass cảnh báo an ninh lương thực đang xấu đi nhanh nhất ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Theo ước tính của WB, giá lương thực cứ tăng 1% thì sẽ có thêm khoảng 10 triệu người rơi vào nhóm "cực kỳ nghèo khó".

Vấn đề không dừng lại ở việc nguồn cung từ Ukraine hay Nga bị gián đoạn, vì nỗ lực bù đắp ở nơi này cũng gây ra sự thiếu hụt ở nơi khác.


Hôm 21-4, báo Washington Post mô tả sơ lược về việc liệu xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến giá lương thực ở Mỹ ra sao. Đơn cử, hồi đầu tháng 4, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố cho phép sử dụng xăng có nồng độ ethanol cao trong mùa hè năm nay với hy vọng kiềm chế giá xăng. Loại xăng này vốn bị cấm vào các tháng hè để tránh ô nhiễm không khí. Nhưng dù có thể giảm gánh nặng về nguồn cung nhiên liệu, quyết định trên lại góp phần đẩy giá lương thực lên cao.

Theo đó, vì ngô (bắp) vốn được dùng trong sản xuất ethanol, việc đẩy mạnh sản xuất ethanol sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt ngô trong sản xuất hàng tiêu dùng và thức ăn chăn nuôi. Cộng thêm việc Nga và Ukraine chiếm khoảng 20% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu, nguồn ngô dành cho thức ăn chăn nuôi sẽ còn thiếu hụt trầm trọng hơn.

Vì thức ăn đóng góp đến 60% chi phí liên quan tới chăn nuôi, giới chuyên gia dự báo giá thịt bò, thịt heo, gia cầm và thậm chí một số loại cá nuôi đều sẽ tăng lên.


Nợ tăng, nghèo thêm

Giá cả tăng tạo nên áp lực cho các nước thu nhập thấp, vốn đã oằn mình chống lại tác động từ đại dịch COVID-19. Hôm 20-4, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang đối mặt hoặc đã rơi vào tình trạng "vỡ nợ" - tức tổng tiền nợ của các quốc gia cao bằng một nửa quy mô nền kinh tế của họ.

IMF dự báo các khoản nợ chính phủ ở các nước thu nhập thấp sẽ vượt qua 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, tăng so với khoảng 44% của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Phát biểu tại họp báo ngày 20-4, Chủ tịch WB David Malpass cho biết việc nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất cũng làm gia tăng áp lực lên các nước đang phát triển.

Trong khi đó, dù các khoản hỗ trợ kinh tế giúp thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng trên toàn cầu, bản thân sự phục hồi này lại khiến doanh nghiệp lúng túng. Họ phải tìm cách đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, từ đó đẩy các nhà xưởng, cảng biển và kho bãi vào tình trạng quá tải. Vận chuyển hàng hóa theo đó bị dồn ứ, đẩy giá cả leo thang.

IMF dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng 8,7% trong năm nay ở các thị trường mới nổi và đang phát triển, tăng 5,7% ở các nền kinh tế phát triển. Để đối phó lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương tìm cách nâng lãi suất, nhưng điều này đồng nghĩa gánh nặng nợ cũng tăng và các nước nghèo nhất tiếp tục chịu thiệt nhiều nhất.

Ngoài ra, việc Mỹ tăng lãi suất có khả năng sẽ thu hút giới đầu tư rời bỏ các nước nghèo để đến với nước này. Do đó, đồng tiền của các nước nghèo tiếp tục mất giá và họ buộc phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm và các hàng hóa nhập khẩu khác.

Trong bối cảnh này, giám đốc IMF khuyến cáo các ngân hàng trung ương cần thận trọng khi đưa ra quyết sách, luôn lưu ý đến rủi ro có thể gây ra cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương.


Sri Lanka hoán đổi nợ lấy tài nguyên?


Theo tạp chí Financial Times ngày 21-4, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Sri Lanka đàm phán với IMF về phương án "hoán đổi nợ lấy tài nguyên" như một phần của các biện pháp nhằm giảm thiểu suy thoái kinh tế. "Hoán đổi nợ lấy tài nguyên" là lấy một phần nợ nước ngoài của một quốc gia đang phát triển cần được xóa nợ để đổi lấy các khoản đầu tư của địa phương vào các biện pháp bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Sri Lanka đã mất khả năng trả các khoản vay của mình vì thiếu hụt ngoại hối, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, kéo theo các cuộc biểu tình vì thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Tính cả lãi, quốc đảo này có khoản nợ trị giá khoảng 8 tỉ USD phải trả trong năm nay. Dự trữ ngoại hối có thể sử dụng của nước này ước tính chỉ khoảng vài trăm triệu USD. Chính phủ Sri Lanka đã đình chỉ các khoản thanh toán trái phiếu và bắt đầu đàm phán về một gói cứu trợ của IMF.

Giá hàng tạp hóa cao hơn đang gây áp lực lên ngân sách mua hàng tạp hóa của nhiều người Mỹ và buộc họ phải thay đổi cách mua sắm thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Chia sẻ Facebook