Giá thực phẩm, rau xanh bắt đầu "giảm nhiệt"

Chia sẻ Facebook
16/08/2022 09:04:25

Dù xăng đã giảm 5 lần, nhưng đến thời điểm này, nhiều mặt hàng thiết yếu, rau củ quả mới bắt đầu có dấu hiệu xuống giá nhẹ...


Giá một số mặt hàng bắt đầu hạ nhiệt


Theo khảo sát sáng 15/8 của VTC News , giá thịt heo tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội ) giảm đồng loạt 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng một tuần. Cụ thể, thịt ba chỉ đang ở mức 140.000 đồng/kg, các loại thịt nạc vai, mông sấn ở mức 110.000 đồng/kg, thịt chân giò cả bắp giá 120.000 đồng/kg.

Tại các chợ như chợ Vĩnh Hồ, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Láng Hạ… giá các mặt hàng như thịt heo, thịt bò, gà, cá cũng bắt đầu giảm.

Tại chợ Láng Hạ, gà công nghiệp thịt lườn đang được bán với giá 55.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá loại thịt này khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg. Thịt đùi, cánh đang có giá 80.000 đồng/kg, cũng giảm khoảng 5.000 đồng mỗi kg.

Thịt bò tại chợ này cũng đang phổ biến ở mức 225.000 - 245.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng mỗi kg so với cách đây khoảng 1 tuần.

Cá rô phi, điêu hồng đang có giá khoảng 55.000 đồng/kg, thay vì 60.000 - 65.000 đồng như trước. Cá quả cũng được bán với giá 120.000 đồng/kg, cũng giảm nhẹ khoảng 5.000 đồng mỗi kg.

Ngoài ra, các loại rau xanh cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại chợ Vĩnh Hồ, rau muống đang được bán với giá 10.000 đồng/bó, giảm 5.000 đồng so với trước đó. Một số loại rau như bắp cải, cải thảo có giá 20.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng mỗi kg.

Khoai tây, bí xanh đang được rao bán tại chợ này với giá 20.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng mỗi kg.

Một số mặt hàng tại chợ đã giảm giá từ 3.000 đến 5.000 đồng trong tuần qua ảnh. Ảnh: Tiền Phong.


Bà Thu Lan, tiểu thương tại chợ này cho biết, rau củ là mặt hàng chịu tác động nhiều của thời tiết , rồi sau đó mới tính đến ảnh hưởng của giá xăng dầu. Nhưng nhìn chung giá các loại rau cũng đã bắt đầu giảm. Song, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều trong những ngày gần đây nên giá của một số loại rau tăng đột biến.

Điển hình có thể kể đến như rau cải xanh đang được bán tại chợ Thành Công với mức giá 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thông thường. Hành, mùi cũng đang có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Tương tự ở Tp.HCM, thị trường cũng đang có những dấu hiệu giảm nhiệt.


Theo Tiền Phong, tại chợ Hòa Bình (quận 5), nhiều tiểu thương phấn khởi cho biết, một số mặt hàng như rau củ, trái cây đã hạ nhiệt nên khách đến mua sắm đông hơn. Như cà chua, khổ qua 25.000 đồng/kg (giảm 3.000-5.000 đồng so với tuần trước), cần tây giảm từ 43.000 đồng/kg xuống còn 37.000 đồng/kg; xà lách cuộn giảm từ 45.000 đồng/kg còn 39.000 đồng/kg; cải thảo giảm từ 19.000 đồng/kg xuống còn gần 17.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt giảm sâu còn 19.000 đồng…

Khảo sát tại một số chợ ở TPHCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Phú Lâm (quận 6), An Đông (quận 5)…, nhiều loại thực phẩm cũng hạ nhiệt so với tháng trước đó. Một số mặt hàng như thịt heo, trứng vịt, cá, dầu ăn... giảm nhẹ 5-8%, khoảng 3.000-8.000 đồng/kg.


Cố gắng "kìm cương giá cả"

Khi xăng dầu nhiều lần giảm giá, nhiều bộ, ngành đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên đến nay, giá cả nhiều mặt hàng chỉ giảm… nhỏ giọt khiến người dân sốt ruột.

Lý giải về việc giá hàng hóa chưa giảm ngay theo giá xăng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho rằng, nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nhất là nguồn nhập khẩu vẫn còn ở mức rất cao, cộng thêm chi phí lao động tăng. Tất cả các yếu tố đó làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng chưa thể đồng loạt giảm ngay mà cần có độ trễ và cần thêm sự điều chỉnh của giá nguyên liệu sản xuất khác.

Khi xăng dầu nhiều lần giảm giá, nhiều bộ, ngành đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá hàng hóa trên thị trường.


“Giảm giá xăng dầu sẽ là điều kiện để điều chỉnh giá hàng hóa. Tuy nhiên, giá thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, phân bón và nhiều nguyên liệu khác trong 2 năm qua tăng rất cao, ảnh hưởng đến việc tăng giá chung chứ không riêng xăng dầu. DN đang điều chỉnh tiết giảm các chi phí giá thành để giữ thị trường là vấn đề không chỉ người tiêu dùng quan tâm, mà chính doanh nghiệp cũng rất quan tâm”, ông Vũ thông tin với Tiền Phong .


Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, đội QLTT tại Tp.Thủ Đức, các quận, huyện đã nỗ lực giám sát việc kinh doanh, buôn bán nhằm góp phần “kìm cương giá cả”, ổn định thị trường. Tuy vậy, việc kiểm tra cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Để góp phần giảm giá hiệu quả như kỳ vọng cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành, đơn vị, chứ không riêng lực lượng QLTT .


“Cần độ trễ nhưng không phải vài tháng”


Tại buổi tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - thực trạng và giải pháp" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/8, TS.Cấn Văn Lực Kinh tế trưởng BIDV cho biết, giá xăng dầu giảm, nhưng hàng hóa chưa giảm vì có độ trễ nhất định.


Thông thường, các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm, nếu họ giảm ngay giá mặt hàng thì lại sợ sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.


"Tôi cho rằng đó là sự thận trọng, nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống. Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, phải điều chỉnh ngay", ông Cấn Văn Lực nói.


Lý giải việc giá hàng hoá chưa giảm theo giá xăng dầu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho rằng, trước tiên là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh.


Nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp đến giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.


Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đồng tình với việc giá hàng hoá chưa giảm dù giá xăng dầu giảm là do độ trễ. Tuy nhiên, ông cho rằng "không nên trễ quá mà phải điều chỉnh kịp thời để giá hàng hoá giảm xuống theo đà giảm của giá xăng dầu".


Hương Anh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook