Giá thực phẩm bắt đầu tăng
Dưới áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và đặc biệt là giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng điều chỉnh tăng giá bán thực phẩm.
Theo đại diện Công ty Saigon Food (TP.HCM), sau thời gian dài gồng mình giữ giá, đơn vị này vừa tăng giá bán đối với nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến với mức 5 - 15%.
Theo vị này, các nguyên liệu đầu vào, bao bì... liên tục tăng trong gần 2 năm qua, trong đó nhà cung cấp bao bì nhập khẩu như giấy, vỏ nhôm... đã 2-3 lần điều chỉnh tăng giá từ cuối năm 2021 đến nay.
"Giá nguyên vật liệu tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19, rồi vận tải tăng theo giá xăng... khiến chi phí đầu vào tăng mạnh, buộc chúng tôi phải tăng giá bán sản phẩm", vị này thông tin.
Tương tự, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cũng cho biết đang điều chỉnh tăng giá bán với một số sản phẩm chế biến do các nhà cung cấp nguyên vật liệu và bao bì đã nhiều lần tăng giá bán.
Đại diện Công ty thực phẩm Duy Anh (TP.HCM) cho biết do áp lực giá đầu vào tăng nên vừa tăng giá bán đối với một số sản phẩm như bánh tráng, bún, mì...
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-5, bà Phạm Thị Huân, chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân, cho biết do nằm trong diện bình ổn, giá trứng cũng vừa tăng trước đó nên đơn vị chưa dám tăng giá tiếp nhưng đang chịu áp lực lớn do giá thành sản xuất tăng khoảng 10% kể từ khi giá xăng tăng mạnh.
Cần cân nhắc việc tăng giá
Theo bà Huân, so với thời điểm trước dịch, hiện sức mua đối với nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến đang giảm 30 - 40%, trứng gia cầm giảm 20%. Do đó, việc tăng giá bán cũng cần cân nhắc.
"Nếu các doanh nghiệp sản xuất lớn, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, không giữ được giá bán tốt thì giá nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ còn tăng nhanh", bà Huân nhận định.
Nhiều người dân, nhất là người có thu nhập thấp, đang chịu ảnh hưởng mạnh với đà tăng của giá xăng dầu khi giá hầu hết các loại hàng hóa đều tăng. Ngay cả những đĩa cơm, tô phở... vỉa hè cũng bắt đầu tăng giá trước sức ép chi phí tăng.