Giá thành sản xuất tăng, Dược phẩm Phong Phú báo lãi giảm 28%
Quý I/2023, lượng sản xuất giảm 26% trong khi giá thành sản xuất tăng khiến lợi nhuận của Dược phẩm Phong Phú giảm 28% xuống còn 4,7 tỷ đồng.
CTCP Dược phẩm Phong Phú (HNX: PPP) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với kết doanh thu thuần đạt gần 37 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 7% lên 25,3 tỷ đồng khiến lãi gộp theo đó giảm 14% xuống còn 11,6 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9% lên 2,7 tỷ đồng và chi phí bán hàng ghi nhận ở mức 3,1 tỷ đồng, tăng 7% do công ty bước đầu đầu tư mở rộng các kênh bán hàng, tăng cường quảng bá nhận diện thương hiệu.
Kết quả, PPP ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 28% xuống còn 4,7 tỷ đồng. Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận giảm, phía doanh nghiệp cho biết do sản lượng sản xuất của công ty giảm gần 26% so với cùng kỳ trong khi định phí sản xuất giảm không tương ứng làm tăng giá thành sản xuất so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu đem về 157,5 tỷ đồng doanh thu và 13,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được trong quý I, PPP đã thực hiện 23% kế hoạch năm và 36% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Đến ngày 31/3, tổng tài sản của PPP gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm, ghi nhận ở mức 158 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng 23% so với đầu năm lên 13,3 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, đến cuối quý I công ty có 29,5 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 13% so với đầu năm. Phần giảm chủ yếu đến từ khoản phải trả người lao động giảm một nửa xuống còn hơn 2 tỷ đồng; thuế và các khoản nộp Nhà nước giảm 15% xuống còn 1,9 tỷ đồng. Trong kỳ PPP không ghi nhận khoản vay nợ nào.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng nhẹ lên 128,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp giữ nguyên từ đầu năm với gần 88 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối kỳ trước tăng 3,2 lần lên gần 26 tỷ đồng.
Theo dự báo của SSI Research, trong năm 2023, tăng trưởng của ngành dược sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.
Theo các chuyên gia của SSI Research nhận định, nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược .