Gia tăng trẻ mắc bệnh viêm phổi
Ngay từ những ngày đầu tháng 6, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm phổi và gia tăng ngày một nhiều.
Thông thường, đến tháng 8 và tháng 9 hàng năm, tình trạng trẻ mắc bệnh viêm phổi mới được ghi nhận nhiều. Tuy nhiên, năm nay, ngay từ những ngày đầu tháng 6 số trẻ nhập viện điều trị vì viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Bé nhà tôi được 4 tháng 20 ngày nhưng đã phải nằm viện điều trị hơn 10 ngày vì bị viêm phổi. Khi ở nhà, bé có biểu hiện thở khò khè, tôi có lấy thuốc cho bé uống ở nhà 3 ngày nhưng không đỡ. Thấy con có biểu hiện nặng hơn, khó thở, tím hết tay chân, tôi đưa con đi bệnh viện khám thì các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị vì bé bị viêm phổi nặng. Bây giờ tại bệnh viện một ngày cháu phải thở khí dung 3 lần để bé dễ thở hơn. Nhìn con còn quá nhỏ mà suốt ngày phải nằm viện vì bị viêm phổi tôi thật sự rất lo lắng".
Cùng cảnh ngộ với chị Hoa, chị Trịnh Thị Bích (trú tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã ở viện hơn 1 tuần để chăm sóc cho con bị viêm phổi. Chị Bích chia sẻ: "Con tôi được 9 tháng tuổi nhưng đây là lần thứ 2 liên tiếp cháu phải vào viện vì bị viêm phổi. Mặc dù sau lần 1 điều trị về, tôi đã rất chú ý chăm sóc và bảo vệ cho con nhưng không hiểu sao cháu vẫn tiếp tục bị viêm phổi lần 2. Sau một tuần điều trị, tình trạng viêm phổi của bé cải thiện nhưng lại bị viêm tai giữa".
Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp, tại bệnh viện, số lượng bệnh nhi nhập viện vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp (viêm phổi) chiếm tỷ lệ hàng đầu so với các bệnh lý khác. Hàng năm, đều có những đợt bệnh nhi gia tăng, cao nhất vào khoảng tháng 8, 9 và tháng 10. Tuy nhiên, năm nay, ngay từ tháng 6 đã có những bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi.
Lý giải cho điều này, bác sĩ Minh cho rằng: Có thể nguyên nhân xuất phát từ 2 vấn đề. Một là do khí hậu thay đổi, chuyển mùa vào thời điểm này làm cho các vi khuẩn dễ phát triển và lây lan nhanh. Thứ hai đây là thời điểm chúng ta thay đổi phương pháp phòng chống dịch COVID-19 từ biện pháp giãn cách xã hội sang mở cửa bình thường mới, do đó, sự giao lưu đi lại, mở cửa trường học… tạo điều kiện nhiễm trùng đường hô hấp tăng nhanh.
"Đặc điểm của nhiễm khuẩn hô hấp cấp đợt này đó là đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản do vi rút và bệnh thường chuyển nặng ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi, cá biệt có những trường hợp chuyển nặng ở trẻ 2 tháng đến 6 tháng tuổi. Trẻ vào nhập viện vì viêm tiểu phế quản trong đợt này suy hô hấp rất nhanh. Những ngày đầu tiên chỉ có triệu chứng nhẹ, nhưng đột ngột có những cơn khó thở, khò khè, thở lõm bắt buộc phải có chỉ định nhập viện", bác sĩ Minh nói.
Cũng theo bác sĩ Minh, khi bị viêm phổi, trẻ rất dễ bị suy hô hấp và nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị tử vong. Ngoài ra, khi trẻ bị viêm phổi, trẻ còn có thể bị sốt cao, co giật, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải... Do đó, cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện sớm của viêm phổi, các dấu hiệu nguy hiểm và tình trạng cấp cứu để đưa trẻ đến viện kịp thời.
Phụ huynh cần lưu ý, bệnh lây qua đường hô hấp, do đó cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Đặc biệt, cần bảo vệ cho những trẻ có nguy cơ cao, đó là những trẻ còn quá nhỏ, những trẻ có bệnh nền, trẻ mắc chứng khò khè tái đi tái lại, trẻ có bệnh lý suy dinh dưỡng… vì những trẻ này nếu mắc viêm phổi sẽ chuyển nặng hơn so với các trẻ khác. Phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc, theo dõi sát trẻ bằng cách mặc đồ thoáng mát cho trẻ vào ban ngày nhưng phải giữ ấm vào ban đêm, đặc biệt tại ba vị trí: lòng bàn chân, mông và mỏ ác (thóp phồng). Nếu ba vị trí này của trẻ bị lạnh sẽ dẫn đến ho, dễ nhiễm khuẩn hô hấp cấp.
Khi trẻ mắc bệnh, cần theo dõi trẻ chặt chẽ trong quá trình chăm sóc để phát hiện các dấu hiệu thở mệt, thở rút lõm, khó thở, bỏ bú, nôn vọt, mệt lả, co giật hoặc ly bì, khó đánh thức… để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự điều trị cho trẻ, điều này rất nguy hiểm.