Gia tăng người bệnh rối loạn tâm thần sau dịch

Chia sẻ Facebook
25/10/2022 16:35:06

Cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác, bệnh rối loạn tâm thần cần được chẩn đoán và có thể điều trị.

Bộ Y tế ước tính tỉ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương 15 triệu người. Trong đó thường gặp nhất là trầm cảm, lo âu. Đáng nói là sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng.


Không phải "điên" mới là rối loạn tâm thần

Đa số người dân quan niệm rối loạn tâm thần là tâm thần phân liệt mà dân gian thường gọi là điên. Thực tế, tỉ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số. Trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ở trẻ em, tỉ lệ mắc các bệnh rối loạn tâm thần là 12%, tương đương 3 triệu trẻ có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Ghi nhận tại một số cơ sở chăm sóc, điều trị các bệnh lý sức khỏe tâm thần cho thấy tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng sau đại dịch COVID-19. Nhiều bác sĩ cho biết rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ và rối loạn do lạm dụng chất kích thích là những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường gặp nhất trong đại dịch. Tình trạng này không chừa một ai, kể cả y, bác sĩ đã và đang chữa trị cho bệnh nhân.

Điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1

Một bác sĩ từng tham gia chống dịch ở TP HCM cho biết dù đại dịch COVID-19 đã lắng xuống song có những thời điểm chị vẫn bị ám ảnh với tiếng còi xe cấp cứu. Bác sĩ này đã phải dùng thuốc ngủ và tìm gặp bác sĩ tâm thần để tư vấn.

Theo PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cứ 100 người thì có 15 người mắc các rối loạn tâm thần. Con số này đối với nhiều người thì có thể xa lạ và sợ hãi, nhưng với những người làm trong chuyên ngành tâm thần thì đó là điều đã được biết đến từ nhiều năm trước.

PGS Hưng cho biết số liệu trên vẫn chưa phản ánh đúng thực tế về tỉ lệ người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam hiện nay. "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê có đến hơn 300 mã bệnh về tâm thần được quy định. Như vậy, rối loạn tâm thần không chỉ đơn thuần là bệnh tâm thần phân liệt mà còn rất nhiều dạng bệnh khác như: trầm cảm, lo âu, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý ở trẻ em, nghiện rượu, nghiện ma túy... Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời" - PGS Hưng khuyến cáo.


Thăm khám sớm, tránh để thành bệnh lý

Bác sĩ Tạ Đình Cao, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1), cho biết theo tổng hợp các dữ liệu nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần ở người Việt hậu COVID-19 dao động trong khoảng 12%-81,7% tùy mức độ khác nhau. Đáng lưu ý, một số vấn đề sức khỏe tâm thần được ghi nhận trong đại dịch như: rối loạn căng thẳng; rối loạn lo âu; trầm cảm; rối loạn giấc ngủ; rối loạn hậu sang chấn; suy kiệt tâm lý trong hoạt động nghề nghiệp, học tập, chăm sóc nuôi dạy con; có ý định tự tử... Trong đó, tỉ lệ rối loạn căng thẳng ở học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ y tế, người dân nói chung trong khoảng từ 34% đến hơn 80%. Với nhóm nhân viên y tế, mức độ căng thẳng từ nặng cho tới rất nặng là khoảng 19%. Rối loạn lo âu được ghi nhận khá rõ nét ở học sinh THCS, THPT (gần 60%); nhân viên y tế khoảng 74%.

Tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, tỉ lệ người dân đến khám và điều trị về các rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ… sau đại dịch COVID-19 cũng chiếm tỉ lệ lớn.

Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị. Chỉ 29% số người bị rối loạn tâm thần và 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với rối loạn tâm thần, do vậy hầu hết mọi người đều ngại ngùng khi thừa nhận các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác, cần được chẩn đoán và có thể điều trị.

"Dù có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả nhưng đáng buồn là hầu hết bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần không được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả. Hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn nhiều hạn chế, chủ yếu điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Thuốc điều trị còn hạn hẹp, nhiều người dân sử dụng thuốc gián đoạn. Ở Việt Nam, hiện chỉ tuyến tỉnh và trung ương có chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị. Ngoài ra, việc chữa trị chủ yếu là dùng thuốc, các biện pháp tâm lý, tư vấn, tham vấn, trị liệu chưa được phát triển đầy đủ" - ông Khuê nói.

Cùng quan điểm này, PGS Nguyễn Tuấn Hưng cho hay trước đây, sự hiểu biết về việc điều trị bệnh tâm thần có rất nhiều bất cập và cổ hủ như: nuôi nhốt, cúng bái… Hiện nay, có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị các rối loạn tâm thần như dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, liệu pháp thư giãn, phục hồi chức năng, kích thích từ xuyên sọ... Những phương pháp này giúp người bệnh tiến triển tốt hơn, ổn định hơn và có thể trở lại cuộc sống bình thường tùy mức độ bệnh và loại bệnh.


Thiếu bác sĩ tâm thần

PGS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết ở Việt Nam tỉ lệ 1 bác sĩ tâm thần/ 100.000 dân. Như vậy, nguồn lực bác sĩ tâm thần đang rất thiếu trong khi đó các bệnh lý về rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng.

Để hạn chế các hậu quả nặng nề của rối loạn tâm thần gây ra, người dân nên phát hiện sớm, đi khám sớm để phát hiện và điều trị các rối loạn tâm thần. Người gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, căng thẳng, buồn bã kéo dài, lo lắng quá mức, giảm quan tâm hứng thú với cuộc sống, có ý tưởng và hành vi tự sát... nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và thăm khám điều trị.

Chia sẻ Facebook