Gia tăng bỏng điện, nhiều trường hợp bị cắt cụt chi
Thông tin từ Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, bệnh viện hiện đang tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bỏng điện nặng và rất nặng.
Bỏng điện cao thế khi câu cá dưới đường điện
Bệnh nhân L.V.T (sinh năm 1979, sống ở phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa) làm công việc lái xe nên mỗi khi có thời gian được nghỉ ngơi ở nhà, bệnh nhân thường đi câu cá.
Khoảng 17h ngày 14/8, trong lúc câu cá dưới đường điện cao thế, bệnh nhân giơ cần câu lên bị phóng điện gây bỏng, sau bỏng, bệnh nhân vẫn tỉnh và được cấp cứu tại y tế địa phương.
Với vết thương được chẩn đoán ban đầu rất nặng, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) đã phải chuyển gấp bệnh nhân lên Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác vào 21h cùng ngày trong tình trạng tay phải co cứng, sưng, nề, tuần hoàn ngoại vi kém.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng với diện tích 41% diện tích cơ thể, bỏng sâu 5% độ II, III, IV, V thân, tay phải, 2 chân và được chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu xác định khả năng giữ lại tay phải là rất khó, nhưng vẫn cố gắng hết sức để giữ lại. Tuy nhiên, tình trạng tay phải của bệnh nhân hoại tử sâu nên được chỉ định phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải vào ngày 16/8 sau 2 ngày vào viện.
Bên cạnh đó, vết thương 2 chân và trên thân bỏng rộng và sâu sẽ trải qua nhiều lần phẫu thuật ghép da cũng như theo dõi tổn thương do dòng điện gây ra.
Gặp tai nạn bỏng điện cao thế khi làm việc
Như trường hợp của bệnh nhân V.V.Q (sinh năm 1997, trú tại phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), làm thợ cơ khí thi công sửa mái tôn công trình nằm dưới đường điện cao thế. Ngày 31/7, trong khi sửa mái, do không để ý, bệnh nhân đã giơ thanh sắt hộp lên chạm vào đường diên cao thế gây bỏng.
Sau khi bị bỏng, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, được mọi người chuyển vào Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp cứu. Với tình trạng tổn thương bỏng nặng do dòng điện cao thế, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác vào 22h35 phút cùng ngày.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng với diện tích 10% diện tích cơ thể, bỏng sâu 7% độ III, IV, V hai tay, hai chân, chuyển Khoa Điều trị Bỏng người lớn điều trị.
Với tổn thương bỏng nặng do dòng điện cao thế, trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt 1/3 cẳng chân trái, tháo các khớp ngón bàn chân phải và phẫu thuật cắt cụt 1/3 cẳng tay phải.
Hiện nay, bệnh nhân vẫn đang tiếp tục điều trị và sẽ còn trải qua nhiều lần phẫu thuật ghép da cũng như theo dõi các tổn thương khác do dòng điện gây ra. Tình trạng cắt cụt các chi như vậy, sau khi bình phục, bệnh nhân sẽ mất đi 85% sức lao động.
Theo thống kê của Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, từ đầu năm 2022 cho đến nay, tỷ lệ bỏng điện nhập viện hiện nay cao hơn nhiều so với thời gian các năm trước đó.
Trên đây chỉ là 2 trường hợp trong số rất nhiều trường hợp bỏng điện cao thế khác hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện khuyến cáo tới người dân hãy thận trọng hơn khi làm việc hay di chuyển hoặc vui chơi tại các khu vực có lưới điện cao thế đi qua, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Một số khuyến cáo đối với người dân
Bỏng điện là tổn thương do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể gây ra gồm: Vết bỏng, ngừng hô hấp, ngừng tim, sốc điện. Bất cẩn trong việc tiếp xúc với nguồn điện hoặc sét đánh trong những lúc mưa giông đều gây ra bỏng điện.
Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân (do tiếp xúc với nguồn điện). Ở trẻ em hay gặp vết bỏng ở miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện. Vết bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào điện trở càng cao, cường độ của luồng điện càng lớn và thời gian tác dụng càng lâu thì tổn thương tại chỗ càng sâu rộng. Giới hạn tổn thương không rõ ràng.
Những ngày đầu khó chẩn đoán chính xác độ sâu của vết bỏng. Nếu bỏng sâu thì các lớp cân, cơ, gân thường bị hoại tử. Nếu bỏng ở thành ngực, thành bụng khi hoại tử có thể làm lộ hở hốc phế mạc. Nếu ở vùng xương sọ, xương trán có thể thấy hoại tử xương và thủng dẫn tới biến chứng viêm màng não. Bỏng ở chân tay thường có các tổn thương mạch máu gây chảy máu thứ phát, tổn thương thần kinh gây liệt. Trường hợp nặng, toàn bộ chi bị tổn thương bị hoại tử, than hóa; khi đó phải cắt cụt chi sớm mới cứu được nạn nhân.
Người dân cần thận trọng khi làm việc hay di chuyển hoặc chơi tại các khu vực có điện lưới, đặc biệt trong những ngày trời mưa ẩm, những nơi có trạm điện, đường điện cao thế, trang bị đồ phòng hộ chuyên dụng khi sửa chữa điện lưới…
Lưu ý: Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện, cầu dao, rút phích cắm, cầu chì…
Nắm vào quần, áo khô của người bị nạn để kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện, đặt ở nơi thoáng khí, yên tĩnh. Người cấp cứu tại chỗ phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, tay có găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi nilông và không được nắm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn.
Khẩn trương chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Mỗi người dân cần trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ do sự cố điện, tập huấn các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản tai nạn do điện giật để kịp thời tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực… đối với các trường hợp ngưng tim sau điện giật, hạn chế nguy cơ tử vong cho người bị nạn.