Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã có 201 trường hợp nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ bệnh viện, trong số 201 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện, có 33 trường hợp nặng (chiếm tỷ lệ hơn 16%).
Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc thể nặng tái sốc kèm suy đa cơ quan. Việc điều trị những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao.
Theo các bác sĩ Khoa Sốt xuất huyết, mùa mưa đến thường là lúc muỗi phát triển sinh sôi nảy nở, cũng thường là lúc chúng ta dễ mắc sốt xuất huyết, nhất là trẻ em. Tại nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố, diễn biến của bệnh sốt xuất huyết cũng đang một nóng lên.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn có tên là Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7, 8, 9, 10. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc sốt xuất huyết. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh gồm: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, liên tục kéo dài từ 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các cơ, khớp; Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, buồn nôn; Nổi ban và dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, vết bầm tím chỗ tiêm, tiểu ít, nôn ra máu, đi ngoài phân đen...
Khi có các biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết, phụ huynh nên cho trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, điều trị và hướng dẫn theo dõi thích hợp.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần theo dõi tái khám mỗi ngày và phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: mệt mỏi bất thường, nhiệt độ hạ nhanh dưới 36 độ C hoặc sốt cao liên tục; da xanh, lạnh và ẩm; Chảy máu mũi hoặc chảy máu lợi, có nhiều nốt xuất huyết trên da; Nôn liên tục hoặc nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Ngủ li bì hoặc quấy khóc (trẻ em)...
Nếu không phát hiện và đến khám kịp thời, sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, sốc tay chân lạnh, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp kẹp hay tụt, có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ lưu ý: Nên nhập viện sớm ở một số cơ địa đặc biệt như trẻ nhũ nhi, béo phì, trẻ mắc bệnh mạn tính (tim mạch, thận, suyễn…), trẻ ở quá xa bệnh viện, không có điều kiện tái khám, người nhà lo lắng.
Tại Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận một số ca bệnh nặng đang điều trị do sốc sốt xuất huyết.