Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2, 3 lần: Vì sao và giải pháp nào để hạ giá?
Sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10.sẽ cao gấp 2 hoặc 3 lần so với bộ sách cũ. Vì sao có sự tăng giá này? Giải pháp nào để hạ giá sách giáo khoa?
Giá sách giáo khoa mới cao tạo thêm gánh nặng cho gia đình khó khăn
Trong những ngày này, các em học sinh đang trong kỳ nghỉ hè để rồi lại chuẩn bị đón một năm học mới. Nhưng đây cũng là lúc nhiều bậc phụ huynh bắt đầu dành sự quan tâm và thậm chí có cả những lo lắng về các khoản chi phí đầu năm học, mà trước tiên là tiền mua sách.
Dư luận xã hội những ngày gần đây đề cập nhiều đến thông tin giá sách giáo khoa mới của một số lớp, cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với bộ sách hiện này. Giá chênh lệch dao động từ vài chục ngàn đến không quá 200 ngàn đồng một bộ. Thế nhưng, đây lại là sản phẩm thiết yếu và có tác động đến đại bộ phận người dân.
Hiện có 3 bộ sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm bộ sách giáo khoa "Cánh diều" của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Vietpic, bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và bộ sách "Chân trời sáng tạo" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ sách giáo khoa "Cánh diều" có giá bán cáo nhất ở tất cả các lớp, trong đó bộ lớp 3 chưa tính sách ngoại ngữ có giá là 220.000 đồng/bộ. Bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" là 183.000 đồng/bộ. Bộ "Chân trời sáng tạo" có giá 178.000 đồng/bộ.
Nếu tính trung bình giá bán từng cuốn sách mới thì ở lớp 3 hiện hành là 9.700 đồng/cuốn. Bộ "Cánh diều" có giá cao nhất trong các bộ sách mới, trung bình 18.300 đồng/cuốn, gần gấp đôi. Giá trung bình từng cuốn của 2 bộ sách còn lại cũng ghi nhận cao hơn giá bán sách hiện hành. Tương tự như vậy đối với sách lớp 7 và lớp 10.
Trải qua 2 năm dịch bệnh, cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Tăng ca ít, thu nhập giảm, tiền sách giáo khoa tăng, học phí tăng đang là "gánh nặng" với các gia đình lao động khó khăn.
Về nguyên nhân sách giáo khoa tăng giá, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng lý giải trong chương trình Sự kiện và Bình luận: "Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức chia sẻ với các gia đình, phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị tác động trực tiếp bởi việc sách giáo khoa mới có giá thành cao hơn sách giáo khoa cũ. Tôi khẳng định là sách giáo khoa mới cao hơn chứ không phải là tăng giá. Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về chủ trương thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa với yêu cầu có nhiều bộ sách giáo khoa cho một môn học, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt". Theo đó, cơ chế về tài chính của bộ sách giáo khoa mới so với bộ sách giáo khoa cũ khác nhau. Bộ sách giáo khoa cũ từ năm 2006 được nhà nước bao cấp hoàn toàn kinh phí từ biên soạn, trả tiền tác giả, tập huấn, in ấn và phát hành.
Bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện xã hội hóado các nhà xuất bản, doanh nghiệp bỏ tiền ra để thực hiện tất cả các khâu từ biên soạn, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút.
Bên cạnh đó, do có nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn và in ấn, xuất bản sách giáo khoa nên sản lượng của mỗi đầu sách giảm đi của mỗi nhà xuất bản, góp phần khiến chi phí tăng lên.
Ngoài ra, những chi phí trước đây không có như quảng bá, tập huấn hay lãi vay ngân hàng thì hiện nay nhà xuất bản, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra.
Đánh giá lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá thuyết phục, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa cũ, thậm chí cao hơn khá nhiều trong thời điểm hiện tại dường như chưa được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.
"Trong hai năm vừa qua, đời sống của đại bộ phận người dân chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19. Trước sự ảnh hưởng nặng nề đó, Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân, giảm bớt khó khăn cho dịch bệnh. Khi cuộc sống của người dân vẫn đang rất khó khăn do dịch bệnh và dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ rất phức tạp thì việc tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm hiện nay tạo thêm gánh nặng cho những gia đình có con em đi học, đặc biệt với những gia đình có đông con đi học, những gia đình hộ nghèo, những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chính bởi vậy cho nên dư luận rất quan tâm đến vấn đề này" – bà Nga nhận định.
Giải pháp nào cho những bất cập về giá sách giáo khoa?
Sách giáo khoa là loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Làm sao để cân bằng giữa quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh và người sử dụng sách giáo khoa? Vậy quản lý giá sách giáo khoa như thế nào? khi mà đặc điểm cũng như quy trình biên soạn sách giáo khoa mới đã hoàn toàn thay đổi.
Có nhiều điểm khác biệt giữa sách giáo khoa hiện hành và sách giáo khoa mới.
Về hình thức, sách giáo khoa hiện hành có khổ giấy nhỏ, sách in 2 màu. Sách mới khổ to hơn, chủng loại giấy in dày hơn, sách in 4 màu, tiệm cận với cách thiết kế sách giáo khoa hiện đại.
Về quy trình, sách giáo khoa hiện hành đuợc biên soạn từ 20 năm truớc. Chi phí biên soạn, tổ chức bản thảo do ngân sách nhà nước chi trả nên giá bán chỉ tính trên chi phí in ấn, phát hành. Còn sách giáo khoa mới do các đơn vị làm sách chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu tổ chức biên soạn, đưa đi thẩm định, in ấn, phát hành, nên chi phí sản xuất sẽ cao hơn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc, nếu định giá trần sách giáo khoa cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng sách giáo khoa có chất lượng. Khi có biến động về giá cần có điều chỉnh lên - xuống phù hợp.
Đồng thời, nhà nước nên có biện pháp để trợ giá sách giáo khoa cho các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đề xuất, việc hỗ trợ sách giáo khoa cho các địa phương thuộc vùng khó có thể thực hiện thông qua hệ thống thư viện nhà trường, để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể thuê hoặc mượn sách hàng năm.
Trước những bất cập liên quan giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã nêu ra nhiều giải pháp đã và đang thực hiện. Theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo đã kịp thời sửa đổi ban hành Thông tư về quy trình, tiêu chuẩn biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa.
"Mặc dù đã có tiêu chuẩn về sách theo quy định nhưng vì sách giáo khoa là một loại hàng đặc biệt, thiết bị giáo dục nên trong thời gian tới, Bộ sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu, xem xét để tham mưu ban hành một thông tư quy định về tiêu chuẩn của sách giáo khoa" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Với các nhà xuất bản. Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu tiết giảm chi phí, giảm thiểu tối đa giá thành sách giáo khoa, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ đã chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Giá thành từ khâu biên soạn, in ấn, mua sắm vật tư bảo đảm công khai minh bạch, áp dụng thí điểm phát hành sách vừa truyền thống vừa phát hành theo hướng online để giảm chi phí nhất.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ cũng như sự chấp hành của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, trong thời gian qua, các bộ sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam thấp hơn từ 10 – 20% so với các nhà xuất bản khác" – ông Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Ngoài ra, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã có những hỗ trợ cho những đối tượng như học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số… mỗi tháng được hỗ trợ 150.000 đồng cho việc mua sách giáo khoa và thiết bị học tập trong 9 tháng.
Bộ cũng đã có những thông tư, quyết định yêu cầu các nhà trường, các sở giáo dục đào tạo phải chỉ đạo các nhà trường xây dựng thư viện, cung cấp sách giáo khoa trong thư viện để học sinh có thể mượn và sử dụng với yêu cầu là tất cả học sinh khi đến trường đều có sách để học.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Gia đình nào có con đi học cũng đều mong muốn và nỗ lực để các con có được điều kiện học tập và môi trường học tập tốt một cách nhất.
Chi phí vài trăm ngàn đồng cho một bộ sách giáo khoa mới với những người có điều kiện không phải là vấn đề. Nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì đó lại là gánh nặng.
Với kỳ vọng mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức một cách gần nhất, thuận lợi nhất, những băn khoăn, bất cập sẽ sớm được tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có nhiều lần trao đổi, chỉ đạo để giữ ổn định mức học phí cũng như đảm bảo giá sách giáo khoa thấp nhất.