Giá pin xe điện lần đầu tiên tăng trong hơn một thập niên
Pin lithium-ion, loại pin sử dụng phổ biến ở xe điện, lần đầu tiên tăng giá trong năm nay sau hơn một thập niên do chi phí nguyên liệu tăng mạnh. Đây sẽ thách thức lớn cho nỗ lực của ngành công nghiệp ô tô nhằm biến xe điện thành một sản phẩm dành cho thị trường đại chúng.
Giá pin xe điện lần đầu tiên tăng trong hơn một thập niên
Giá cả các kim loại pin bao gồm lithium, cobalt và nickel tăng vọt và chi phí cao hơn của các linh kiện khác đang đẩy giá pin lithium-ion lên tới 151 đô la Mỹ/kWh, tăng 7% so với một năm trước và là mức tăng đầu tiên kể từ khi Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF) bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát giá pin lithium-ion hàng năm vào năm 2010.
Để xác định mức giá trung bình, BloombergNEF đã thu thập gần 200 điểm dữ liệu khảo sát từ người mua và người bán pin lithium-ion dành cho xe hơi, xe thương mại, xe buýt chạy điện và các hệ thống lưu trữ năng lượng.
Do vậy, con số 151 đô la Mỹ thể hiện mức giá trung bình trong các ngành sử dụng nhiều pin lithium-ion, bao gồm các bộ pin lớn sử dụng để trữ năng lượng tái tạo và pin nhỏ sử dụng ở các thiết bị điện tử. Đối với xe điện, giá pin lithium-ion trung bình là 138 đô la Mỹ/kWh.
BloombergNEF dự báo giá pin lithium-ion sẽ tăng thêm, lên mức 152 đô la Mỹ/kWh vào năm tới. Trong năm 2010, giá bình quân của pin lithium-ion là 1.160 đô la Mỹ/kWh.
Giá pin tăng vào một thời điểm nhạy cảm. Các hãng xe trên toàn thế giới đang tung ra một loạt mẫu xe hơi và xe tải điện mới nhằm vào thị trường đại chúng. Giá pin cao là một trong những lý do chính khiến chi phí ban đầu của xe điện cao hơn so với xe chạy xăng ở cùng phân khúc.
Từ lâu, ngành công nghiệp xe hơi đã coi chi phí pin ở mức 100 đô la Mỹ/ kWh là điểm giá mà xe điện sẽ trở nên cạnh tranh với các phương tiện động cơ đốt trong. Tuy nhiên, hiện giá kim loại lithium đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu năm 2021 và giá nickel tăng 75%, trong khi giá cobalt trong năm nay cao hơn gấp đôi mức trung bình trong năm 2020.
Do vậy, BloombergNEF dự báo mức chi phí pin 100 đô la Mỹ/kWh chỉ có thể đạt được vào năm 2026, muộn hơn hai năm so với dự kiến trước đây. Điều này sẽ “tác động tiêu cực đến các hãng sản xuất và bán xe điện cho thị trường đại chúng ở những khu vực không có trợ cấp”, theo nhận định của BloombergNEF.
Công ty này cho biết thêm chi phí cao hơn cũng có thể là vấn đề đối với tính hiệu quả kinh tế của các dự án lưu trữ năng lượng bằng các hệ thống pin, vốn rất quan trọng để ổn định lưới điện khi năng lượng tái tạo không thể sản xuất liên tục vì phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết.
Giá pin lithium-ion đáng lẽ còn cao hơn nếu các hãng xe và nhà sản xuất pin tại thị trường Trung Quốc không chuyển sang sử dụng pin LFP (lithium iron phosphate), có giá rẻ hơn, không sử dụng cobalt và nickel nhưng cung cấp phạm vi vận hành ngắn hơn. Pin LFP đã giành được thị phần đáng kể trong ba năm qua. BloombergNEF dự báo chúng sẽ chiếm khoảng 40% doanh số bán xe điện toàn cầu trong năm 2022.
Biên lợi nhuận của nhà sản xuất pin cũng thấp hơn trong năm nay, cho thấy họ đã hấp thụ một phần chi phí nguyên liệu và linh kiện tăng cao.
Trong năm 2022, nhu cầu pin lithium-ion toàn cầu là 603 GWh, gần gấp đôi mức của năm trước. Chuỗi cung ứng pin đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng quá nhanh. Trong khi giá nickel và cobalt đã giảm trong những tháng gần đây và giá lithium có thể sắp hạ nhiệt, chúng vẫn đang đắt đỏ hơn với những năm trước. Điều này là do nhu cầu pin tăng cao, khiến tốc độ cung cấp pin mới không theo kịp.
Giá pin lithium-ion khác nhau đáng kể tùy mỗi khu vực. Ở Trung Quốc, pin lithium-ion có giá trung bình 127 đô la Mỹ/kWh, còn ở Mỹ và châu Âu có giá cao hơn lần lượt là 24% và 33%. Sự chênh lệch này là do chi phí sản xuất cao hơn ở các thị trường phương Tây, cũng như sở thích của người tiêu dùng ở đây đối với các loại pin có tầm hoạt động xa hơn, sử dụng nhiều nickel và cobalt.
Evelina Stoikou, đối tác về lưu trữ năng lượng tại BloombergNEF, cho biết chi phí nguyên liệu và linh kiện tăng cao đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô hành động để đảm bảo nguồn lực và giảm chi phí.
Bà nói: “Trong bối cảnh giá kim loại pin tăng, các nhà sản xuất pin và các hãng xe lớn đã chuyển sang các chiến lược chủ động hơn để phòng ngừa sự biến động, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án khai thác và tinh chế”.
Theo các nhà phân tích, vẫn chưa rõ khi nào giá kim loại pin sẽ giảm. Các công ty khai thác lithium lớn nhất thế giới đã cảnh báo về những khó khăn trong việc tăng sản lượng để ứng phó nhu cầu tăng vọt. Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và các nước khác đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng pin của Trung Quốc.
Lê Linh
TBKTSG