Giá lithium tăng 572% trong 1 năm

Chia sẻ Facebook
22/03/2022 16:04:21

Từ năm ngoái, hàng loạt kim loại cơ bản liên tục tăng giá nhưng không có loại nào chứng kiến giá bùng nổ như lithium.

Giá dầu mỏ, nhiều loại hàng hoá liên tục lập đỉnh sau khi các cảng ở Ukraine đóng cửa, các lệnh trừng phạt đối với Nga và gián đoạn xuất khẩu dầu ở Libya đã khiến những người mua năng lượng, cây trồng và kim loại tranh giành nguồn cung thay thế.

Nga là một trong những nhà xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng nhất thế giới, từ dầu thô, khí đốt đến lúa mì và nhôm và việc nước này có thể tạm thời "biến mất" trong chuỗi cung ứng hàng hoá do các lệnh trừng phạt khiến các thương nhân và nhà nhập khẩu rơi vào tình trạng "điên cuồng".

Giá kim loại cơ bản như nhôm, đồng, thiếc đã giảm nhiệt so với giai đoạn đầu tháng – khi người ta thực sự lo ngại về khả năng gián đoạn xuất khẩu kim loại. Thực tế, các mối lo ngại về nguồn cung vẫn còn, từ khả năng Nga bị trừng phạt thêm nhắm vào xuất khẩu đến gián đoạn sản lượng thực tế và sự mất trật tự logistics.

Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ đang làm nảy sinh một xu hướng khác mạnh mẽ hơn: sự chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng ít phát thải carbon.

Quá trình chuyển đổi năng lượng này đang thúc đẩy một siêu chu kỳ hàng hoá tiếp theo. Các công nghệ năng lượng sạch đòi hỏi nhiều kim loại hơn so với công nghệ sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Giá các loại kim loại "xanh" được dự báo sẽ đạt mức cao nhất lịch sử.

Nhưng rất ít kim loại "xanh" nào chứng kiến sự bùng nổ giá như lithium.

Sau khi tăng hơn 4 lần giá trị vào năm ngoái, lithium carbonate tiếp tục tăng vọt vào năm 2022, theo Benchmark Mineral Intelligence. Đánh giá giữa tháng 3 của cơ quan nghiên cứu chuỗi cung ứng pin cho thấy loại lithium carbonate Li2CO3 99,5% hiện có giá trung bình 76.700 USD/tấn, tăng 10% trong 2 tuần và 95% kể từ đầu năm. Một năm trước, mặt hàng này giao dịch ở mức 13.400 USD/tấn.

Lithium hydroxide, được sử dụng trong sản xuất cathode có hàm lượng nickel cao, cũng đang tăng tốc khi giá tăng 120% trong năm nay.

Benchmark Mineral Intelligence cho biết mức tồn kho của Trung Quốc đối với lithium hydroxit, carbonate và spodumene ở mức rất thấp, đồng nghĩa giá sẽ duy trì ở mức cao. "Nhu cầu nguyên liệu là rất mạnh. Do đó, giá cao sẽ được duy trì trong thời gian tới".

Sự bùng nổ về giá cho thấy nguồn cung lithium đơn giản là không đủ để cung cấp cho thị trường.


Nhu cầu bùng nổ

Lần bùng nổ lithium gần đây nhất cách đây 5 năm, được cho là do các nhà sản xuất không lường trước được làn sóng nhu cầu xuất phát từ làn sóng sản xuất xe điện ồ ạt tại Trung Quốc sau khi chính phủ nước này "mở đường" bằng các gói trợ cấp.

Phàn ứng về nguồn cung sau đó đã chứng tỏ thị trường đã nóng quá mức cần thiết, dẫn đến giá sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2018-2020. Từ đó, các mỏ mới bị phá huỷ, các dự án mở rộng bị hoãn lại, nhiều nhà khai thác đã phải tạm dừng hoạt động và rời đi.

Sau đó, trong một chu kỳ hàng hoá bùng nổ cổ điển, làn sóng tăng giá lại xuất hiện. Các nhà sản xuất lithium, một lần nữa, không chuẩn bị tốt để đáp ứng nhu cầu quá lớn hiện tại, được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng xe điện.

Doanh số bán xe điện và xe chạy bằng năng lượng mới của (NEV) tại thị trường quan trọng là Trung Quốc đã tăng 157,5% lên 3,52 triệu chiếc vào năm 2021.

Nhiều xe bus điện ở Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng pin lithium sắt phốt phát (LFP). 2 năm trước, Tesla giới thiệu pin LFP cho mẫu Model 3 tiêu chuẩn ở Trung Quốc để giảm giá khởi điểm của xe từ mức 48.000 USD xuống còn gần 39.000 USD. Năm ngoái, Tesla thông báo đang chuyển hoá toàn bộ pin NCA (nhôm nickel coban) sang công nghệ LFP. CEO Elon Musk tiết lộ mật độ năng lượng ngày càng cải thiện của pin LFP giúp người dùng có thể sử dụng loại pin rẻ hơn, không chứa coban trong các mẫu xe cấp thấp để giải phóng nguồn cung pin lithium-ion cho các mẫu xe khác.

Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây, Benchmark Intelligence cho biết giá lithium carbonate tăng cao đã đẩy chi phí pin LFP lên cao hơn khoảng 1 USD cho mỗi kWh so với pin nickel.

(Theo Nhịp sống kinh tế)

Chia sẻ Facebook