Giá kim loại này giảm không phải niềm vui mà là nỗi lo cho nền kinh tế

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 14:32:39

Các chiến lược gia cho rằng đồng, kim loại quan trọng trong sản xuất, giảm giá cho thấy các nhà đầu tư đang có cái nhìn tiêu cực về triển vọng kinh tế.


Đồng được coi là chỉ số quan trọng hàng đầu khi đo đạc sức khỏe nền kinh tế bởi chúng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, giá đồng đang giảm mặc dù có ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu với chúng giảm mạnh hay nguồn cung được tăng thêm.

"Thực tế hoàn toàn ngược lại. Chúng ta đang nhận thấy những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc, nơi vẫn đang trung thành với chiến lược zero Covid", Daniel Hynes của ANZ cho biết.

Nhu cầu hiện tại với đồng vẫn rất cao nhưng các nhà đầu tư cho rằng việc thắt chặt các chính sách tiền tệ sẽ khiến tăng trưởng thấp hơn. Chính triển vọng này khiến đồng giảm giá.

"Điều đó nói với tôi rằng các nhà đầu tư có vẻ không quá lạc quan về triển vọng kinh tế", Daniel Hynes nhấn mạnh.

Trước đó, giá đồng ghi nhận mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ năm 2011 vào quý 2 năm nay. Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London ở mức 7.341 USD/tấn vào sáng 14/7 theo giờ châu Á, giảm mạnh đáng kể từ đầu tháng 6.

Giá của đồng phụ thuộc vào sự thay đổi tâm lý toàn cầu với các chính sách lãi suất của FED. Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung kết hợp với việc Trung Quốc thực thi kích thích tài khóa trong vòng 6 đến 12 tháng tới sẽ thúc đẩy nhu cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi "nỗ lực toàn lực" để xây dựng cơ sở hạ tầng vào tháng 4. Trung Quốc cũng sẽ thành lập một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên James Kan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vật liệu cơ bản châu Á tại UBS, cho biết những hạn chế nhằm ngăn ngừa Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu với các mặt hàng công nghiệp ngay cả khi Bắc Kinh có kế hoạch kích thích kinh tế thông qua cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, tăng trưởng hàng tồn kho đang vượt xa mức tăng trong sản xuất công nghiệp. Chính vì thế, việc tích tụ hàng tồn kho sẽ trở thành vấn đề. Ngay cả khi nhu cầu với kim loại cơ bản tăng vọt ở Trung Quốc thì hàng tồn kho vẫn có thể hấp thụ sự tăng trưởng đó. Trong khi đó, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu có khả năng tăng trưởng chậm lại, khiến nhu cầu cũng giảm sút.

Chia sẻ Facebook