Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu dự kiến tăng từ tháng 4/2023
Đại diện Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, chuẩn bị báo cáo Chính phủ Việt Nam, dự kiến ban hành vào tháng 4.
Tại cuộc gặp mặt báo chí quý I ngày 24/3, trả lời câu hỏi về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, ông Nguyễn Tường Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, khẳng định: “Đúng là có hiện tượng nhiều cơ sở y tế thực hiện giá khám chữa bệnh theo yêu cầu khác nhau”.
Theo nhà chức trách, để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Theo dự thảo của Bộ Y tế, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế… tối đa 300.000 đồng/lần khám.
Các cơ sở y tế khác giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng 1 giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường.
Như vậy, giá giường nằm đề xuất trong dự thảo thông tư cao hơn khoảng 1 triệu đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.
Giá giường bệnh như vậy quá cao?
Gửi ý kiến về báo VietNamNet sau khi thông tin dự thảo được đăng tải, nhiều độc giả cho rằng giá giường bệnh như vậy quá cao, như giá phòng khách sạn, chỉ có người giàu mới có khả năng chi trả.
Một giám đốc bệnh viện hạng 1 của Hà Nội lý giải: “phòng khách sạn chỉ để ngủ, còn giường bệnh viện có rất nhiều máy móc, nhân lực phục vụ đi kèm”.
Theo bác sĩ này, giá ngày giường với một bệnh nhân phải điều trị tích cực, 3 triệu đồng/giường (mức tối đa) có thể còn thấp hơn giá thực tế nếu tính chi tiết. Vị giám đốc cho hay trên thế giới giường hồi sức tích cực (ICU) có nơi lên đến 10.000 USD (khoảng 230 triệu), có tích hợp máy móc.
Tại cuộc họp báo, ông Hà Anh Đức – Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết khi tham gia các cuộc họp xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu: “không cần khống chế trần, vì phụ thuộc thị trường, ai có nhiều tiền thì trả tiền”.
Tuy nhiên, theo ông Đức, không phải vì có thu nhập mà “thả ra” không quản lý. Cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra, căn cứ vào đâu lại có giá 5-10 triệu đồng một phòng, không phải bệnh nhân có tiền là trả nhiều tiền.
Khánh Vy (t/h)
Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần tăng lương cơ bản, phụ cấp cho nhân viên y tế
Bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề hưởng lương hệ số 1, tương đương gần 3,5 triệu đồng.