Gia huấn truyền thống: Những lời dạy trọng đức tu thân sâu sắc
Gia huấn là ghi chép của những người lớn tuổi trong gia đình, gia tộc, nhằm khuyên bảo con cháu đời sau biết cách trọng đức tu thân, đối nhân xử thế. Con trai thứ tư của Chu Văn Vương là Chu Công Đán đã bắt nguồn truyền thống gia huấn tại Trung Hoa. Sau đó, vào thời nhà Tần, gia huấn đã bắt đầu xuất hiện phổ biến.
Người Trung Hoa cổ đại coi trọng nhân lễ, coi trọng trung hiếu tiết nghĩa, luôn muốn truyền thừa lại những mỹ đức về tu thân. Việc giáo dục phẩm chất cho con cháu trong gia tộc để hình thành gia phong cũng vì thế mà được đặc biệt coi trọng. Các danh thần am hiểu Nho học trong lịch sử như Tư Mã Quang, Âu Dương Tu, Chu Hy thời nhà Tống; Vương Phu thời nhà Minh cùng Trịnh Bản Kiều, Tăng Quốc Phiên thời nhà Thanh, v.v. đều kế thừa và bảo vệ gia huấn. Ngoài ra còn có rất nhiều hình thức giáo dục con khác như gia thư hay thơ ca.
Những gia huấn gia quy nổi tiếng vượt thời gian này được các bậc hiền nhân dùng kinh nghiệm sống của bản thân mà đúc kết, trọng tâm xoay quanh ba phương diện: phẩm chất làm người, quản lý gia đình và xử thế.
Tác phẩm “Gia phạm” của danh thần Tư Mã Quang thời Bắc Tống tập hợp những ví dụ thực tế về cách quản lý gia đình, trình bày một cách hệ thống về lý luận gia đình, nguyên tắc quản lý gia đình và đạo tu thân xử thế. Tư Mã Quang cho rằng trong lý lẽ “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà Nho giáo đề xướng thì việc quản lý gia đình là căn cơ, nếu ngay cả việc gia đình của mình mà cũng không xử lý ổn thỏa thì nói gì đến quản lý đất nước, ổn định thiên hạ.
Trong khi đó, “Viên thị thế phạm” của học giả Viên Thái thời Nam Tống thì đưa ra những lập luận tinh tế về lẽ đọc sách tu thân, kính nghiệp, trọng người tài, kính già yêu trẻ, quản lí tiền bạc, đạo làm người, cách đối nhân xử thế, v.v..
Còn “Chu Hy gia huấn” do nhà Nho Chu Hy thời Nam Tống biên soạn thì nói về đạo hòa thuận trong gia đình, hòa hợp xã hội, trọng đức tu thân. Trong quyển gia huấn này nhấn mạnh đầu tiên là “tu thân” , sau đó là “tề gia” , bao gồm cách đối xử với cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, người làm, để đạt được “hòa thuận trong gia đình”.
Một tác phẩm khác, “Chu Tử trị gia cách ngôn” do Chu Bách Lư thời nhà Thanh sáng tác còn có tên là “Chu Tử gia huấn” lấy “tu thân” , “tề gia” làm tôn chỉ, tập hợp những thành tựu lớn về cách làm người xử thế của Nho giáo, xuất phát từ các phương diện trong cuộc sống để khuyên người ta sống tiết kiệm, an phận.
Gia huấn của Tăng Quốc Phiên thời nhà Thanh lấy cần kiệm, trung tín, thành kính làm châm ngôn. Tuy làm quan trong triều, có quyền thế, nhưng ông luôn quan tâm đến cuộc sống và giáo dục trong gia đình, ông thường chú ý đến việc bồi dưỡng tư tưởng lý luận đạo đức cho con cháu.
Gia huấn trong lịch sử Trung Hoa cổ đại đã góp phần gìn giữ sự hưng thịnh của gia tộc, đào tạo nên những thế hệ hiền tài, từ Hoàng đế cho đến các vị thanh quan, giữ gìn được trật tự xã hội.
Chẳng hạn trong “Đình Huấn Cách Ngôn” , Khang Hy Đế giáo dục các hoàng tử, hoàng tôn không được phép biếng nhác như sau:
“Con người sống trên đời đều thích an nhàn, không thích vất vả. Nhưng ta lại cho rằng chỉ khi con người vất vả mới hiểu thế nào là an nhàn. Nếu luôn ở trong cảnh nhàn tản, thì căn bản sẽ không biết an nhàn là thứ gì, khi gặp cảnh khốn khó cũng không thể nhẫn chịu. Cho nên trong Kinh Dịch nói: Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Như vậy xem ra, thánh nhân coi khó nhọc là phúc, an nhàn là họa.”
“Truy cầu an nhàn, thoải mái là bản tính của con người. Trong thiên hạ có ai là người không thích an nhàn và vui vẻ. Nhưng an nhàn, vui vẻ quá độ lại không được phép. Cho nên người quân tử thành khẩn ước thúc ngôn hành của bản thân, không dám biếng nhác, ức chế dục vọng mà không dám phóng túng. Vui chơi có tiết chế mà không dám quá độ, trân quý phúc phận mà chẳng dám xa hoa, an phận thủ thường mà không dám làm càn. Như vậy bản thân mới được bình an, có được phúc trạch bền lâu. Trong Thượng thư nói: Người quân tử không truy cầu an nhàn. Thi Kinh cũng giảng: Ham vui nhưng không uổng phí, người nhân đức siêng năng cần cù. Câu này là hay nhất.”
“Khi mình cảm thấy có thể phóng túng thì cần nghĩ đến nỗi nhọc nhằn của người khác, khi mình cảm thấy có thể an ổn thì cần nghĩ đến nỗi khốn khổ của người khác.”
“Đình Huấn Cách Ngôn” cùng sự nghiêm khắc của Hoàng đế Khang Hy trong việc giáo dục con cháu đã đào tạo nên hai vị Hoàng đế kiệt xuất của nhà Thanh là Ung Chính Đế và Càn Long Đế.
Tương tự như vậy, một gia huấn nổi tiếng khác là “Nhan thị gia huấn” của Nhan Chi Thôi thời Nam Bắc triều. Nhan Chi Thôi xuất thân từ gia đình trí thức, được ảnh hưởng bởi Lễ Pháp của nhà Nho, lại kính trọng tin tưởng Thần Phật, vững tin vào nhân quả. “Nhan thị gia huấn” là tổng kết kinh nghiệm lập nghiệp, xử thế, và học tập cả đời. Bộ sách với hai mươi chương, khoảng bốn mươi nghìn chữ này được người đời sau xem như quy phạm gia giáo, phản ánh toàn bộ tư tưởng xã hội của Nhan Chi Thôi.
Bộ “Nhan thị gia huấn” được coi trọng là vì nó có nội hàm văn hóa phong phú, không chỉ nói đến việc trọng đức tu thân, trị gia xử thế ra sao mà còn bàn về việc học hành, phản đối việc nói viển vông, nếp sống thiếu thực tế, lại bàn rộng đến lịch sử, văn học, văn tự, âm vận, tập quán dân tộc, xã hội, luân lý…
Nỗi khổ tâm của Nhan Chi Thôi đã không uổng phí, con cháu nhà họ Nhan có nhiều người thành tài. Nổi tiếng nhất phải kể đến là cháu nội của Nhan Chi Thôi, Nhan Sư Cổ, học giả đã viết nên “Hán Thư” thời nhà Đường. Trong suốt năm đời cháu của Nhan Chi Thôi còn có Nhan Chân Khanh là đại thư pháp gia lừng lẫy trong giới văn học bấy giờ, và vị quan nổi tiếng Nhan Quốc Khanh.
Tiểu Minh
Mời nghe radio :