Gia hạn thuế 20.000 tỷ, tiếp sức ngành ô tô phục hồi sau đại dịch

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 04:44:28

Chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến áp dụng trong 3 năm, riêng năm 2022, tổng mức gia hạn thuế lên tới 20 nghìn tỷ đồng. Đây được coi như khoản tín dụng Nhà nước có lãi suất 0%...

Gia hạn thuế 20.000 tỷ, tiếp sức ngành ô tô phục hồi sau đại dịch

Chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phục hồi.

Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.


GIA HẠN THUẾ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI

Cụ thể, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; trong đó, tại tiết b điểm 3 mục II Nghị quyết số 11/NQ-CP có nêu: “Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022".

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo Nghị quyết số 11, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cũng có công văn số 403/TCT-CS ngày 18/02/2022 yêu cầu Cục Thuế một số tỉnh, thành phố quản lý doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Theo Bộ Tài chính, tổng cộng số tháng được gia hạn trong kỳ nộp thuế từ tháng 6 đến tháng 9/2022 lên đến 10 tháng, với số tiền thuế lên tới 20.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phục hồi sau đại dịch.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022 cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Thời gian gia hạn nộp thuế của kỳ tính thuế trên được thực hiện chậm nhất đến ngày 20/11/2022.

Nếu phương án gia hạn được thông qua thì thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ nộp thuế tháng 6 sẽ được gia hạn 4 tháng. Kỳ nộp thuế tháng 7 được gia hạn 3 tháng và kỳ nộp thuế tháng 8 được gia hạn 2 tháng và tháng 9 là 1 tháng.

Chính sách gia hạn thuế được coi như khoản tín dụng của Nhà nước cho doanh nghiệp vay có lãi suất 0%, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để xoay vòng vốn đầu tư.

Bộ Tài chính cho rằng, do đây là giải pháp cấp bách nên cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước và được thực hiện trong năm 2022 nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2022.

Đánh giá tác động việc áp dụng chính sách này đến thu ngân sách, Bộ Tài chính cho hay bình quân số thuế tiêu thụ đặc biệt mà các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nộp cho ngân sách nhà nước dao động trong khoảng 2.450-2.800 tỷ đồng/tháng.

Sau thời gian gia hạn theo nghị định này, Bộ Tài chính kiến nghị việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.

Trước đó, trong năm 2020, cơ quan thuế tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô của 13 doanh nghiệp tại 8 tỉnh, thành phố với tổng số tiền thuế gia hạn là hơn 19.256 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được gia hạn từ tháng 3 đến tháng 10/2020. Lãi suất của 19.256 tỷ đồng thuế  tiêu thụ đặc biệt gia hạn nói trên trong 8 tháng gia hạn, tương đương 962,8 tỷ đồng.

Trong tháng 10 và 11/2021, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn là 5.448 tỷ đồng.


THỊ TRƯỜNG Ô TÔ HỨNG CHỊU NHIỀU "SÓNG GIÓ"

Bộ Tài chính nêu rõ, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô.

Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, một trong những thị trường ô tô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh “đóng băng”, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2021.

Tổng kết năm 2021, báo cáo bán hàng từ Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô thuộc VAMA đạt 304.149 xe, nhích tăng nhẹ 3% so với năm 2020 nhờ "cứu cánh" của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt vào cuối năm, giúp thị trường giữ được đà tăng trưởng.

Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ô tô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Chưa có năm nào mà thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió như năm 2021 khi đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán hàng sụt giảm mạnh.

Tháng 8/2021 chứng kiến doanh số bán ô tô theo tháng giảm kỷ lục, về mức thấp nhất trong vòng gần 10 năm qua, chỉ đạt 8.884 xe các loại.

Tuy nhiên, lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước vẫn ghi nhận mức sụt giảm lên tới 10% trong khi xe nhập khẩu vẫn tăng trưởng đến 24% so với cùng kỳ. Có thể nói, sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid cần có sự giúp đỡ của Nhà nước.

"Việc áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với quy định về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước khi có thêm nguồn tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động, giúp người lao động duy trì việc làm, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội", Bộ Tài chính đánh giá.

Ánh Tuyết


VnEconomy

Chia sẻ Facebook