Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng 9%, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu

Chia sẻ Facebook
14/07/2023 01:57:47

Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt 532,6 USD/tấn, tăng 9%. Đây được coi là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua.


Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng 9%

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,9 triệu tấn gạo, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng và tăng gần 22% về kim ngạch xuất khẩu. Mức giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt gần 533 USD/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về cơ cấu thị trường, Philippines tiếp tục là nước nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất.


An Ninh Thủ Đô dẫn nguồn Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 6/2023, cả nước xuất khẩu 617.998 tấn gạo, tương đương 340,77 triệu USD, giá trung bình 551,4 USD/tấn, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 2,3% về giá so với tháng 5/2023; so với tháng 6/2022 cũng giảm 14,9% về lượng, giảm 3,9% kim ngạch nhưng tăng 13% về giá.

Nguyên nhân lượng xuất khẩu gạo sụt giảm chủ yếu do thị trường nhập khẩu chủ lực mặt hàng này của Việt Nam là Philippines giảm nhập khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm khá mạnh.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 1,7 triệu tấn, tương đương 857,68 triệu USD, giá trung bình 504,9 USD/tấn, tăng 4,6% về lượng, tăng 13% về kim ngạch và tăng 8,1% về giá so với 6 tháng năm 2022.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch, đạt 677.387 tấn, tương đương 390,62 triệu USD, giá trung bình 576,7 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch; giá tăng 10,8% so với 6 tháng năm 2022.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 492.801 tấn, tương đương 244,06 triệu USD, giá 495,3 USD/tấn, tăng mạnh 1.388% về lượng, tăng 1.404% kim ngạch và tăng nhẹ 1,1% về giá so với 6 tháng năm 2022, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Ngoài ra, gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP, các thị trường FTA CPTTP, các thị trường khác thuộc Đông Nam Á…

Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á nói chung, của Việt Nam nói riêng neo ở mức cao kỷ lục


Trao đổi với VnExpress , ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng năm nay xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất. Trong đó, sản xuất thắng lớn khi cơ cấu giống lúa có nhiều chuyển biến, năng suất cao. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường cũ như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng đã giúp bức tranh xuất khẩu gạo "thêm rực rỡ".


Theo Công Thương , một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết giá gạo xuất khẩu tăng là do nhu cầu nhập khẩu của các nước khu vực châu Á và châu Phi đang tăng lên trong bối cảnh nguồn cung gạo từ Ấn Độ lại bị hạn chế.

Ngoài ra, một thương nhân Thái Lan khác cho biết, giá gạo Thái Lan còn được hỗ trợ khi nguồn cung gạo của nước này đang chủ yếu được chuyển đến Indonesia và Philippines nhằm đáp ứng các hợp đồng đã ký trước đây, khiến lượng gạo có sẵn cho các thị trường khác suy giảm.

Tại Ấn Độ, gạo đồ loại 5% tấm của nước này đang được xuất khẩu ở mức 409 – 416 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 397- 405 USD của tuần trước. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng, hiện giá đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, lý giải giá gạo đang tăng cao hơn là do nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, tại ngưỡng giá này, nhu cầu từ các khách hàng tại châu Phi đối với gạo Ấn Độ đang giảm xuống.


Giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á nói chung, của Việt Nam nói riêng neo ở mức cao kỷ lục đang tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam bứt phá.

Theo đánh giá của VietFirst Securities, trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu: LTG – sàn: UPCoM) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, mã cổ phiếu: TAR – sàn: HNX) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi tốt nhất khi thị trường gạo xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook