Giá gạo tăng từng ngày và bài toán cân đối nguồn hàng của doanh nghiệp ngành lúa gạo

Chia sẻ Facebook
11/11/2023 03:51:56

Giá gạo tăng từng ngày và bài toán cân đối nguồn hàng của doanh nghiệp ngành lúa gạo


Giá lúa tăng theo giá gạo


Giữa tháng 11/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin , giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng từng ngày và hiện đã vượt mốc 9.000 đồng/kg. Thậm chí ở một số nơi, giá được chốt đến 9.400 đồng/kg. Với nông dân, ai cũng mong sẽ bán được lúa với giá cao, nhưng đi kèm cũng có cả nỗi lo.

Vụ Thu Đông này, ông Võ Minh Tài, ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 4,5ha. Lúa dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Những ngày qua, giá lúa liên tục tăng.

Giá lúa tăng cao cũng khiến lượng thương lái đổ dồn về các khu vực đang có lúa chuẩn bị thu hoạch. Tại một khu ô bao xã Phú Đức đã có khoảng 70 - 80% nông dân chốt giá. Số còn lại đang chờ để xem giá lúc có tiếp tục tăng hay không rồi mới quyết định. Bởi theo tính toán, dù giá lúa tăng cao kỷ lục nhưng lợi nhuận thật sự của nông dân cũng không tăng nhiều.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Phú Xuân, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Nếu mức giá hiện nay bình quân nông dân lãi khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng. Năng suất hơi hạn chế, chi phí cũng tăng cao. Giá lên quá thì liên kết cũng dễ gãy đổ, công ty không theo kịp".

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá lúa, gạo tăng cao dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Giá tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá phải hủy hợp đồng. Số khác để giữ chữ tín bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An, Tp.Cần Thơ cho rằng, giá lúa trong nước đã chạm mốc tối đa rồi, do lượng lúa thu đông không còn nhiều. Từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo không thể giảm mà chỉ có thể tăng, trừ “khi đến vụ đông xuân tới, lượng lúa gạo nhiều thì giá sẽ chững lại mới bán được”.


Giá cao nhất từ trước đến nay

Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 653 USD/tấn trong phiên giao dịch đầu tháng 11/2023.

Với mức này, gạo Việt Nam đang có giá cao nhất lịch sử xuất khẩu. Theo đó vào năm 2008, giá gạo có thời điểm tăng tới 1.000 USD/tấn nhưng thời điểm đó nước ta tạm dừng xuất khẩu, còn ở thời điểm hiện tại việc xuất khẩu diễn ra bình thường và gạo Việt đang “ngược chiều” tăng so với các nguồn cung khác gồm Thái Lan, Pakistan.

Giá gạo xuất khẩu tăng là tin vui cho cả người trồng lúa và doanh nghiệp, song theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, việc giá tăng quá cao khiến các hợp đồng khó ký kết. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ Phước Thành 4, lúc này không có doanh nghiệp nào dám bán gạo bởi muốn bán phải có tồn kho, trong khi đó nguồn cung gạo thời điểm này đã cạn.

Gạo Việt Nam xuất khẩu đang có lợi thế về giá, kéo theo giá lúa thu hoạch đà tăng.

Ngoài khó khăn về nguồn cung, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice nói rằng, giá xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua đã kéo giá lúa trong nước ở mức cao, thậm chí giá nội luôn cao hơn giá ngoại, khiến doanh nghiệp không dám ký kết hợp đồng mới vì sợ thua lỗ. Ngoài ra, giá quá cao khách hàng cũng không lựa chọn Việt Nam mà tìm đến một nguồn cung khác có giá tốt hơn.

Trên thực tế, thời điểm này các doanh nghiệp thận trọng trong ký kết hợp đồng là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi đầu năm nay nhiều doanh nghiệp ký trước hợp đồng khi chưa có chân hàng đã phải chịu lỗ nặng. Do đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên chuẩn bị chân hàng rồi mới ký kết để tránh rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao và không dưới 650 USD/tấn.

Bàn về triển vọng ngành trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết giá gạo đang cao hơn nhiều so với mặt bằng những năm trước, đợt tăng giá có thể kéo dài vì lực cầu mạnh hơn cung.

“Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008. Khi giá gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp không phải là đối tượng hưởng lợi, người "được" nhiều nhất chính là nông dân trồng lúa. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp "4 không" gồm không vốn, không vùng nguyên liệu, không nhà máy và kho chứa có thể sẽ rủi ro trượt giá”, ông Hiếu nói

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có khả năng đạt 1.000 USD/tấn trong bối cảnh cung thấp hơn cầu và hiện tượng El Nino sẽ tác động mạnh đến mùa vụ vào cuối năm 2023 và mùa xuân năm tới.

Theo chuyên gia, cơn sốt gạo sẽ dừng lại hay kéo dài sang năm 2024 sẽ phụ thuộc vào diễn biến của El Nino. Nếu El Nino không tệ như dự báo, tình hình sản xuất lúa gạo sẽ khá hơn, giá có thể sẽ giảm nhẹ, tuy nhiên không thấp như trước đây vì mặt hàng này đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ 600 USD/tấn trở lên.

Để doanh nghiệp có thể “an toàn” khi giá thị trường biến động mạnh, GS.TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo các công ty không nên ký hợp đồng theo giá cố định mà đàm phán giá kèm theo điều kiện tăng/giảm trong phạm vi nhất định.

Ngay cả các hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân cũng cần có sự linh hoạt, giá cao doanh nghiệp sẽ bù thêm cho nông dân, giá giảm thì nông dân chia sẻ với doanh nghiệp. Trong mối liên kết bền vững, doanh nghiệp và nông dân sẽ cùng nhau chia sẻ cơ hội và rủi ro.

Chia sẻ Facebook