Giá gạo tăng, thiết lập kỷ lục sau 34 năm tham gia "sân chơi" thế giới

Chia sẻ Facebook
26/10/2023 06:55:25

Hiện giá lúa gạo nội địa và giá xuất khẩu mặt hàng này của nước ta đồng loạt tăng lên mức cao chưa từng có.

Giá lúa gạo ở mức cao chưa từng có


Báo Vietnamnet dẫn nguồn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tuần mới nhất (12-19/10), giá lúa gạo tại thị trường nội địa thêm một tuần tăng mạnh, dao động từ 193-604 đồng/kg tuỳ loại.

Cụ thể giá bình quân thu mua lúa thường tại ruộng tăng lên mức 8.321 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 9.475 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 15.288 đồng/kg, gạo 5% tấm ở mức 15.129 đồng/kg, gạo 15% tấm có giá 14.858 đồng/kg, gạo 25% tấm là 14.533 đồng/kg...

Giá gạo Việt xuất khẩu cũng tăng ngược chiều so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể, phiên ngày 23/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam lần lượt có giá 643 USD/tấn và 628 USD/tấn.

Đặc biệt, giá gạo 5% tấm của nước ta cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan tới 74 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 80 USD/tấn. Gạo 25% tấm của nước ta cũng cao hơn hàng Thái Lan và Pakistan lần lượt 105 USD/tấn và 145 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong 9 tháng năm 2023, ASEAN và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 3,82 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 859.000 tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 4,68 triệu tấn, chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu gạo tiếp tục duy trì đà khởi sắc, lập kỷ lục cao. Ảnh minh họa.

"Bài toán" nguồn cung gạo cho xuất khẩu của nước ta từ giờ đến cuối năm không còn nhiều

So với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, trước đây giá gạo xô cao nhất chỉ 12.900 đồng/kg, hiện tăng lên mức 13.500-3.600 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm cũng ở mức 16.100-16.200 đồng/kg, đẩy giá gạo xuất khẩu tăng lên gần 700 USD/tấn - mức cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam.


Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Tiền Phong , ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang cho rằng, giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vì doanh nghiệp không còn nhiều hàng trong kho để xuất và nhu cầu trong những tháng cuối năm vẫn ở mức cao.

Cũng theo ông Đôn, hiện Philippines đã xem xét bỏ trần giá gạo sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gạo quay lại thị trường. Họ là khách hàng gạo lớn nhất của Việt Nam nên các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi, đơn hàng tăng.

Ông Đôn dự báo, kể cả vào vụ thu hoạch Đông Xuân (tức đầu năm 2024), nguồn cung gạo từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên, giá sẽ hạ nhiệt, song khó giảm xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn. Điều này giúp giá gạo nội địa sẽ tiếp tục ở mức cao vì nông dân không hạ giá bán.

Trao đổi với báo Vietnamnet, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, dù thị trường lúa gạo trong nước bước vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn nhiều nhưng giá bán lại biến động theo chiều hướng tăng mạnh.

“Doanh nghiệp đang phải mua lúa tươi tại ruộng với giá 8.000-8.200 đồng/kg, mức giá thu mua cao nhất từ trước đến nay”, ông nói. So với hồi đầu năm, giá lúa đã tăng khoảng 30%.

Về xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp ký hợp đồng ở ngưỡng 670-680 USD/tấn - cũng cao kỷ lục lịch sử.

Theo ông Bình, nguồn cung gạo cho xuất khẩu của nước ta từ giờ đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn cao, đặc biệt từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc.

Đơn cử, Indonesia quyết định mua thêm 1,5 triệu tấn gạo, nhắm đến nguồn cung từ Việt Nam và Thái Lan. Philippines bỏ lệnh áp trần giá gạo giúp hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia này sôi động trở lại... Những yếu tố này tác động mạnh tới giá gạo Việt xuất khẩu, vì đây đều là các thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nhận định, so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm 2023 Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm nay Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường. Tính toán từ Bộ NN&PTNT, ở kịch bản cao nhất, nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD trong năm 2023.

Chia sẻ về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ông Bình cho hay: “Các doanh nghiệp đều chốt xong đơn hàng xuất khẩu, giờ chỉ lo trả hàng cho các đối tác theo đúng hạn đã ký. Hợp đồng ký mới vẫn có nhưng rất hiếm hoặc ký mới thì thời gian trả hàng cũng là đầu năm 2024”.

Riêng về giá gạo xuất khẩu, ông nhận định sẽ neo cao, rất khó giảm. Kể cả và vụ thu hoạch Đông Xuân (tức đầu năm 2024), nguồn cung gạo từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên, giá sẽ hạ nhiệt, song khó giảm xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn.

Nhu cầu gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng qua các năm, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thế nên, những tháng đầu năm sau, giá gạo xuất khẩu có thể neo ở ngưỡng cao 640-650 USD/tấn, ông Bình dự báo.

Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam đang có lợi thế về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải có chiến lược đảm bảo hiệu quả xuất khẩu khi giá lúa tăng cao như hiện nay.

Như vậy, việc tăng lượng gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá cao giúp thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện rất nhiều. Song Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khuyến cáo cần cân nhắc và tính toán để đảm bảo xuất khẩu gạo mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp không chỉ trong ngắn hạn mà còn đảm bảo bền vững cho tương lai.

Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống

Theo Bộ NN&PTNT, với việc đảm bảo sản lượng 43 triệu tấn lúa, Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường thế giới trên 7,5 triệu tấn gạo năm nay, góp phần chung tay đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.

Hiện nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang, đẩy áp lực lạm phát tăng theo. "Cơn khát" lương thực dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nước đã phải tung ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường gạo như thắt chặt xuất khẩu, tăng nhập khẩu để tăng dự trữ…

Thời gian qua, gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng lương thực chính của hộ gia đình. Do vậy, việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đồng thời bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện an ninh lương thực không chỉ lúa gạo mà còn cả thực phẩm. Việt Nam có thể sản xuất rau quả với 19 triệu tấn, 7,6 tấn thịt các loại, 18,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa, thủy sản trên 9 triệu tấn... Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh.


Riêng trong chăn nuôi, từ đầu năm, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi đều tăng (trừ đàn trâu tiếp tục có xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao). Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,83 triệu tấn trong chín tháng, tăng 6,14% so cùng kỳ năm 2022, thông tin trên VTV.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook