Giá gạo tăng 5 tháng liên tiếp lên mức cao nhất 1 năm qua

Chia sẻ Facebook
15/06/2022 00:05:29

Chỉ số giá lương thực (FPI) của Liên hợp quốc cho thấy giá thực phẩm hiện nay cao hơn 75% so với thời điểm trước đại dịch.


Theo hãng tin CNBC, giá thực phẩm tăng mạnh trong vài tháng qua đang đe dọa đến sự ổn định của thị trường gạo, nguồn lương thực chính tại Châu Á.

Giá năng lượng, phân bón đi lên đã khiến nhiều mặt hàng thực phẩm từ lúa mỳ đến thịt, dầu ăn đều tăng giá. Bên cạnh đó, việc nhiều nước cấm xuất khẩu một số mặt hàng như Ấn Độ (lúa mỳ), Indonesia (dầu cọ) cũng làm gia tăng tâm lý lo sợ của người dân.

Hãng tin CNBC nhận định gạo có thể là mặt hàng tiếp theo vào trong tầm ngắm. Chỉ số giá lương thực FPI của Tổ chức nông lương thế giới (FAO) cho thấy giá gạo đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất 1 năm qua.

Mặc dù sản lượng lúa gạo vẫn tốt nhưng đà tăng giá của nhiều mặt hàng sẽ khiến chi phí trồng trọt đi lên và buộc lái buôn phải nâng giá theo.

"Chúng ta phải đề phòng đà tăng giá gạo bởi khi giá lúa mỳ đi lên, người tiêu dùng sẽ chuyển qua những mặt hàng thay thế như gạo, qua đó gia tăng nhu cầu và làm xói mòn sản lượng dự trữ", chuyên gia kinh tế Sonal Varma của ngân hàng Nomura cảnh báo.

Giá lúa mỳ đã tăng hơn 50% trong năm vừa qua. Vào tuần trước, giá nông sản này đã tăng 4% ngay sau khi một cảng xuất khẩu lúa mỳ của Ukraine bị thiệt hại.

Chuyện thịt gà ở Malaysia

Theo Varma, giá phân bón và nhiên liệu tăng cao khiến giá gạo đi lên, nhưng bên cạnh đó chính động thái hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng làm trầm trọng thêm tình hình. Việc hàng loạt quốc gia cấm xuất khẩu một số mặt hàng thực phẩm đã khiến người dân lo sợ, qua đó đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nữa và tạo thành vòng luẩn quẩn.

Trong khi đó, phần lớn mục đích của các nước cấm xuất khẩu là để chống lạm phát, thế nhưng đà tăng giá của nhiều mặt hàng lại chẳng phải do thiếu cung. Ví dụ ở Malaysia, động thái cấm xuất khẩu thịt gà đã khiến nhiều chuyên gia chỉ trích vì sản lượng cung của nước này không những đủ cho trong nước mà còn cho xuất khẩu. Giá gà tăng chủ yếu là do giá phân bón đi lên, khiến người nông dân buộc phải tăng giá.

"Chúng ta cần cẩn trọng với nguy cơ ngày càng nhiều nước hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực", bà Varma cảnh báo.

Dẫu vậy, chuyên gia Varma nhận định nguy cơ khủng hoảng lúa gạo là khá thấp do dự trữ của các nước vẫn cao và vụ mùa thu hoặc năm nay tại Ấn Độ được cho là sẽ khá tốt.

Bất đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu David Laborde của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPR) nhận định nguy cơ Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới là có thể xảy ra sau khi nước này đã ra lệnh hạn chế với lúa mỳ và đường.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng gạo

Trong tháng 5/2022, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ với lý do đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Chỉ vài ngày sau đó, lệnh hạn chế xuất khẩu đường đã được ban ra.

Hãng tin Reuters cho biết có đến 4 nhà môi giới hàng nông sản lớn đã thừa nhận gạo Ấn Độ đang được mua nhiều hơn trong 2 tuần trước ngày 6/6/2022.

Số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc là 2 nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới, chiếm đến hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 5 còn Thái Lan thứ 6.

Bài học cho ngành gạo

Chuyên gia Laborde cũng cho biết các nước cần phân biệt rõ giữa việc tăng giá để bù đắp chi phí, giúp nông dân hưởng lợi và sản xuất nhiều hơn so với sự tăng giá vì thiếu cung. Việc cấm xuất khẩu dù khiến giá trong nước giảm nhưng sẽ khiến lạm phát ở các nơi khác tăng cao hơn, trong khi đó người nông dân lại chẳng được hưởng lợi gì.

Quay trở lại ví dụ thịt gà ở Malaysia, giá phân bón tăng khiến người nông dân phải tăng giá bán, nhưng chính sách cấm xuất khẩu và áp giá trần đang khiến các trang trại nuôi gà chịu thiệt vì chi phí tăng cao mà lợi nhuận lại quá mỏng. Hệ quả là nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Malaysia đang giảm sản lượng hoặc nghe ngóng để chuyển đổi sang mảng kinh doanh khác.

Câu chuyện này hoàn toàn có thể lặp lại với thị trường gạo, khi một số quốc gia cấm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực và hạ giá trong nước.

Theo chuyên gia Frederique Carrier của hãng RBC Wealth Management, chỉ số giá lương thực (FPI) của Liên hợp quốc cho thấy giá thực phẩm hiện nay cao hơn 75% so với thời điểm trước đại dịch. Khoảng 1/3 chi phí sản xuất lương thực hiện nay có liên quan đến nhiên liệu, năng lượng. Xin được nhắc phân bón là ngành sản xuất cần rất nhiều năng lượng như khí đốt và giá phân bón đã tăng mạnh kể từ năm 2021.

*Nguồn: CNBC


Huyền Băng

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook