Giá gạo cao: Nhận định của chuyên gia kinh tế

Chia sẻ Facebook
12/08/2023 14:28:42

Giá gạo toàn cầu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Nổi bật, mức tăng mạnh nhất đến từ Thái Lan.

Giá gạo toàn cầu chạm đỉnh 12 năm

Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá gạo toàn cầu đã tăng thêm 2,8% trong tháng 7 lên 129,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Theo CNBC, con số này đã tăng 19,7% so với 1 năm trước và là giá trị danh nghĩa cao nhất kể từ tháng 9/2011. Mức tăng mạnh nhất đến từ Thái Lan.

Báo cáo của FAO cho biết những lo ngại về tác động tiềm ẩn của El Nino đối với sản xuất gạo khiến giá gạo càng tăng lên, song song với sự gián đoạn mùa vụ do mưa gây ra, sự thay đổi chất lượng trong vụ thu hoạch hè - thu đang diễn ra tại Việt Nam.

Đặc biệt, mới đây Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào ngày 20/7 nhằm kìm hãm lạm phát lương thực trong nước.

Đất nước Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu nên cho dù gạo non-basmati chỉ chiếm một phần tổng lượng xuất khẩu, FAO lưu ý rằng hạn chế này vẫn làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực.

Hiện giá gạo đang "lơ lửng" ở mức cao nhất thập kỷ, với gạo thô kỳ hạn được giao dịch lần cuối ở mức 16,02 USD/cwt (hundredweight, được sử dụng trong mua bán một số loại hàng hóa và các sàn giao dịch tương lai).

Giá gạo toàn cầu đang đạt mức cao. Ảnh minh họa.


Báo Công Thương dẫn nguồn MXV, thế giới đang chứng kiến tình hình báo động về các mối đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu. Thời tiết cực đoan do hiện tượng El Nino gây ra cùng với việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát giá lương thực.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cả về sản lượng và giá trị

Sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về cơ cấu nhập khẩu, Philippines tiếp tục là nhà mua hàng gạo lớn nhất của nước ta, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm. Theo sau là Trung Quốc, nhập khẩu hơn 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu. Thị trường châu Âu tuy chỉ đạt tỷ lệ nhỏ khoảng 2% nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Thị trường châu Phi thậm chí tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu.


Trao đổi với báo Dân Trí , đại diện đại lý Kho gạo Sài Gòn, quận 12, Tp.HCM cho biết, hơn 10 năm bán gạo, chưa bao giờ thấy giá gạo tăng "chóng mặt" đến vậy. Giá gạo liên tục tăng cao trong hai tuần trở lại đây, thay đổi theo từng giờ, một số mặt hàng gạo đã tăng giá 20-35% so với một tháng trước. "Hai tuần nay, một ngày giá gạo có thể thay đổi 3-4 lần, sáng tăng giá chiều lại tăng giá", đại diện đại lý trên cho biết.

Thời gian gần đây, giá gạo liên tục biến đổi khiến tiểu thương gặp khó khi bán hàng, đại lý không thể liên tục cập nhật giá mới theo giờ cho khách. Mặc dù thị trường tăng giá buộc đại lý cũng phải tăng theo, tuy nhiên cũng cần phải có độ trễ, nếu đại lý tăng giá liên tục khách hàng sẽ phản ứng.

Bên cạnh đó, tại nhiều đại lý gạo khác tại Tp.HCM, giá gạo bán lẻ đã tăng mạnh trong một tuần trở lại đây.

Trước tình hình giá gạo tăng cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây có Chỉ thị yêu cầu phát huy lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.

Đồng thời, Bộ này cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa gạo trong năm để cân đối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để đảm bảo an ninh lương thực, tận dụng cơ hội xuất khẩu và tránh đầu cơ, trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ ngành liên quan kiểm tra, giám sát kinh doanh xuất khẩu gạo. Các bộ theo dõi thị trường thương mại gạo thế giới, động thái các nước sản xuất, xuất khẩu để chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Thiên tai, lệnh cấm xuất khẩu có đe doạ đến an ninh lương thực toàn cầu?


Thông tin thêm trên báo Lao Động , việc Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) vào tháng trước cũng làm dấy lên lo ngại về mất ổn định nguồn cung gạo ở một số nơi trên thế giới. Theo CNN, lệnh cấm đặc biệt có thể tác động đến những nơi phụ thuộc vào gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Tanner Ehmke - nhà kinh tế hàng đầu về ngũ cốc và hạt có dầu tại CoBank nhận định, lệnh cấm của Ấn Độ, cùng với những lệnh cấm khác trước đó, "khiến thị trường châu Á rơi vào tình trạng hoảng loạn”.

“Bây giờ có mối lo ngại về lạm phát lương thực, đặc biệt là trên khắp châu Á" - ông nói. Ông lưu ý, Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu và các mặt hàng bị cấm xuất khẩu chiếm khoảng 15%.

“Lệnh cấm là đòn mới nhất giáng vào thị trường gạo toàn cầu” - theo bài đăng trên blog của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế. Việc giảm lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ “đặt ra rủi ro giá gạo toàn cầu cao hơn và gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực”.

Trong khi đó, Joseph Glauber - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho hay, giá gạo bắt đầu tăng vào năm ngoái khi lũ lụt tàn phá ở Pakistan, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ cùng với hiện tượng El Nino có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.

Đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á, “chúng tôi đã thấy những năm El Nino ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sản xuất", Joseph Glauber nói.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook