Giá gạo Ấn Độ cao nhất trong 1,5 năm qua

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 16:47:38

Trong thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ khá cao. Để đảm bảo an ninh lương thực, quốc gia này còn cấm xuất khẩu gạo tấm.


Hiện giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức 385 - 392 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Sở dĩ giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ neo ở mức cao là do các nhà nhập khẩu nước ngoài đang đẩy mạnh thu mua trước khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ chính thức có hiệu lực.


Trước đó, hồi giữa tháng 9, New Delhi đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu trong bối cảnh nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này cố gắng tăng nguồn cung và làm dịu giá trong nước sau khi lượng mưa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng trọt. Lệnh cấm này ban đầu dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 30/9, tuy nhiên chính phủ nước này đã gia hạn cho đến ngày 15/10 tới.

"Chúng tôi thấy tình trạng thiếu mưa ở các bang sản xuất lúa gạo lớn như Uttar Pradesh, Bihar và Tây Bengal. Chính phủ dự kiến ​​sản lượng gạo sẽ giảm 10 triệu tấn vào mùa tới", ông Rc Cupta - đại lý bán lương thực cho hay.

Để đảm bảo an ninh lương thực, Ấn Độ còn cấm xuất khẩu gạo tấm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trong khi đó, tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở Bangladesh khiến nhu cầu nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Ấn Độ tăng mạnh trong những tuần gần đây. Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới để tích trữ dự trữ và hạ nhiệt giá cao trong nước.

Ấn Độ xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia trên thế giới. Năm ngoái, nước này bán 21,5 triệu tấn, nhiều hơn tổng khối lượng của 4 đối thủ kế tiếp, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay nhiều khả năng sẽ phải sụt ít nhất 1/4 do các lệnh hạn chế xuất khẩu.


Thái Lan hưởng lợi từ hạn chế xuất khẩu gạo Ấn Độ

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ neo ở mức cao cộng thêm động thái siết chặt hoạt động xuất khẩu xuất khẩu của chính phủ nước này buộc các nhà nhập khẩu nước ngoài săn lùng nguồn cung rẻ hơn từ các vựa lúa khác.

Trong khi đó, các chuyên gia dự báo giá gạo sẽ tăng trong thời gian tới nếu khủng hoảng lương thực sẽ còn diễn ra, kèm theo tình hình hạn hán nghiêm trọng ở một số quốc gia trồng lúa trên thế giới. Do đó, đây được xem là cơ hội lớn đối với Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Khoảng trống xuất khẩu gạo do Ấn Độ để lại đang mở ra cơ hội cho nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan. Philippines, Indonesia - vốn là hai nước nhập khẩu nhiều gạo từ Ấn Độ đã bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế từ xứ sở chùa vàng.

Các nhà nhập khẩu Singapore cho biết, nhu cầu của người dân nước này đối với gạo Thái Lan tăng lên do người tiêu dùng nhìn chung rất ưa chuộng các loại ngũ cốc của xứ sở chùa vàng.

Bộ Lương thực Bangladesh thông báo nước này cũng đang đàm phán để nhập khẩu gạo từ Thái Lan.

Các công nhân chuyển gạo lên tàu chở hàng trên sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 425 - 435 USD/tấn so với mức 416 - 420 USD/tấn trong tuần trước. Trước những tín hiệu khả quan trên, giới chức Thái Lan dự kiến xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ tăng mạnh.

"Thái Lan dự kiến xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng so với mục tiêu 7 triệu tấn đề ra trước đó, nhờ sản lượng gạo tăng cũng như đồng Baht yếu giúp giá gạo cạnh tranh hơn giữa bối cảnh mất an ninh lương thực toàn cầu", bà Rachada Dhnadirek - người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết.

Bộ Thương mại Thái Lan dự báo sản lượng gạo trong mùa vụ 2022 - 2023 có thể đạt 26,92 triệu tấn, tăng hơn 2% so với mùa vụ trước đó. Riêng 8 tháng đầu năm nay, nước này đã xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị đạt 2,54 tỷ USD, tăng 30%.

Trước đó, Thái Lan đã chi hơn 4 tỷ USD để hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo, đồng thời tìm phương án để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh chi phí sản xuất lúa gạo đã tăng lên gần gấp đôi so với hai năm trước.


Cơ hội cho gạo Việt

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể giảm đến 4 - 5 triệu tấn, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thêm 500.000 tấn. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể gia tăng các đơn hàng từ các thị trường đang cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc, Philippines, châu Phi. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng được hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu đang tăng lên từng ngày.

Theo các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, động thái cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo trắng của Ấn Độ đã kích thích giá gạo Việt Nam tăng trở lại.

Từ đầu năm đến nay, giá thành sản xuất gạo của Việt Nam cao đến 12.000 - 13.000 đồng/kg nhưng giá xuất khẩu lại khá thấp. Động thái của Ấn Độ giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện tăng khoảng 15 - 25 USD/tấn tùy loại. Hiện nhiều khách hàng từ châu Phi, Nga quay sang đặt hàng mua gạo trắng của Việt Nam khi giá gạo thế giới tăng lên. Năm 2022, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo, bảo đảm lợi ích người nông dân.

Chia sẻ Facebook