Giá đường "đảo chiều" bật tăng mạnh sau một tuần giảm nhẹ

Chia sẻ Facebook
10/10/2023 06:07:49

Theo dự báo, năm nay thế giới sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực.

Giá đường bật tăng mạnh


Báo Công Thương dẫn nguồn thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 2 ngày 8/10, giá đường nhanh chóng hồi phục sau tuần giảm trước đó. Cụ thể, giá đường 11 tăng gần 1% và giá đường trắng tăng 0,47% so với tham chiếu. Lo ngại sản lượng đường ở mức thấp tại Ấn Độ và Thái Lan có phần lấn át tình hình sản xuất đường tích cực tại Brazil.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Ấn Độ sẽ chỉ sản xuất được 33,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2023 - 2024, thấp hơn mức tiêu thụ của quốc gia này. Đây có thể là nguyên nhân khiến quốc gia này ngưng xuất khẩu đường trong thời gian tới.

Trong khi đó tại Thái Lan, cơ quan này cũng dự đoán sản lượng niên vụ 2023/24 sẽ giảm 15% so với niên vụ trước. Điều này kéo theo xuất khẩu chỉ ở mức 9 - 10 triệu tấn.

Brazil đã xuất khẩu 3,21 tấn đường trong tháng 9, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thông tin từ chính phủ nước này.

Giá đường thế giới bật tăng mạnh, theo đó ở thị trường trong nước giá đường tiêu dùng trong nước lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg.


Mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể

Trong tháng 6/2023, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022 - 2023. Sản lượng kết thúc vụ đã ép được 9.645.456 tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2021 - 2022 sản lượng mía ép đạt 128% và sản lượng đường đạt 125%.

Khi so sánh với vụ ép mía 202 – 2021, sản lượng mía ép đạt 143% và sản lượng đường đạt 136%. Sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất. Như vậy, trong vụ ép 2022 - 2023, ngành đường Việt Nam đã xuất sắc thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.

Niên vụ 2023 - 2024, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022 - 2023, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 - 2024 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2022 - 2023 với diện tích mía thu hoạch (ha) 159.159 ha tăng 112%; sản lượng mía chế biến 10.560.399 tấn tăng 109%; sản lượng đường 1.026.719 tấn tăng 110%.

Để bổ sung thêm lượng đường trong nước, ngày 6/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2575/QĐ-BCT về lượng và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2023, Quyết định số 2576/QĐ-BCT về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá.

Theo đó, năm 2023, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao theo phương thức đấu giá là 119.000 tấn.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thống nhất thời điểm tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá, công bố công khai để các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan biết và thực hiện.

Giá đường trên thị trường toàn cầu trong tháng 9 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua, sau khi sản lượng ở Ấn Độ và Thái Lan sụt giảm do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino. Ảnh minh họa.

Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng từ thế giới đến Việt Nam

Trước tình hình nguồn cung lương thực, đặc biệt là đường trên thế giới hiện vô cùng khó đoán, đặc biệt, tình trạng đường thiếu hụt dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu được ghi nhận tại nhiều quốc gia gần đây đang đặt ra mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường.

Bất chấp những dự báo về tăng trưởng, tình hình nguồn cung lương thực, đặc biệt là đường trên thế giới hiện vô cùng khó đoán. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những lo ngại về lạm phát mạnh nhất trong hàng thập kỷ do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như mùa vụ, cung – cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Đánh giá đúng chưa đủ, cần phản ứng kịp thời, nhanh chóng để đảm bảo linh hoạt được nguồn cung đường cho tiêu dùng và sản xuất, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, với dân số đạt mốc 100 triệu người, mức tiêu thụ đường của Việt Nam sẽ vào khoảng 2,2 - 2,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam, sản lượng đường trong nước như năm ngoái chỉ đạt 935.000 tấn. Điều này có nghĩa ngành mía đường mới chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu tiêu thụ.


Thông tin trên VTV, Hậu Giang là vùng trồng mía lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, diện tích mỗi năm giảm từ 500 ha - 1.000 ha. Nếu như năm 2010, tỉnh có 9.000 ha thì niên vụ 2021 - 2022 chỉ còn 3.700 ha. Bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần.

Diện tích thu hẹp khiến các nhà máy đường phải giảm công suất, thậm chí dừng hẳn. Như ở Hậu Giang, từ 3 nhà máy đường thì nay chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động.


Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Trần Vĩnh Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ cho biết: "Nhà máy với người dân đều bị thiệt hại nên chúng tôi cố gắng hỗ trợ bà con tăng 80 đồng so với thông báo thu mua mía ban đầu".

Sau khi nâng giá thu mua, Nhà máy đường Phụng Hiệp cuối cùng cũng hoạt động. Các chính sách hỗ trợ, liên kết cũng được triển khai để nông dân trồng mía ổn định thu nhập.


Hậu Giang đã quy hoạch diện tích trồng mía khoảng 3.000 ha. Nhưng lợi nhuận từ việc trồng cây ăn trái đang cao như hiện nay, diện tích này chưa chắc đã giữ được. Ngành mía đường Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị xoá xổ một khi vùng nguyên liệu đã không còn.

Do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, hiện nay giá đường tiêu dùng trong nước lên mức cao. Theo khảo sát mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn từ 40 doanh nghiệp chế biến thực phẩm dùng đường lớn nhất Việt Nam, năm nay nhu cầu đường của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên khoảng 60.000 tấn so với năm ngoái. Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp để tăng tính chủ động về nguồn cung.


Thời điểm này ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 - 2024, thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía - đường.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến, giải khát, dự báo 5 năm tới nhu cầu sử dụng đường sẽ tăng 5 - 7%/năm. Bởi vậy cần có những hoạch định dài hơi để mía đường trở thành ngành hàng bền vững là hết sức cần thiết.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook