Gia đình và những bức ảnh cũ
Sức mạnh của những bức ảnh gia đình thật kỳ diệu. Dù là những bức ảnh đã hoen ố, nhưng tình cảm gia đình mãi tươi sáng và đầy yêu thương.
Mới đây, khi có việc cần lục tìm lại giấy tờ quan trọng mà không nhớ mình cất ở đâu, tôi lục tung các tủ. Vô tình những bức ảnh cũ của gia đình rơi ra. Chỉ là những bức ảnh cũ đã ố vàng, có bức bị đổ mồ hôi, lem nhem hết các góc. Vậy mà tôi mất cả buổi để dỗ dành cảm xúc của mình, ngăn những giọt nước mắt.
Những bức ảnh đó với tôi thật sự rất quý, nhất là bức ảnh chúng tôi chụp cùng ba mẹ. Và những bức ảnh chụp ba ở những khoảnh khắc đời thường nhất của ông. Nó quý, vì đến khi ba mất cách đây hơn một năm, chúng tôi hoàn toàn không có thêm hình ảnh nào của ông ngoài những tấm ảnh cũ đó và một ít ảnh đen trắng thời trai trẻ.
Nhiều thập niên trước khi muốn chụp ảnh kỷ niệm, đa số phải chịu khó đến các tiệm chụp ảnh chuyên nghiệp. Thời đó, kỹ thuật rửa ảnh phim thông dụng nhất. Chụp một bức ảnh, thợ sẽ trả cho khách vừa ảnh rửa vừa kèm theo tấm phim gốc nhỏ xíu. Tấm phim đó sẽ được cất giữ cẩn thận, lần sau nếu cần rửa thêm thì chỉ cần đưa phim gốc cho thợ, cần rửa ra thêm bao nhiêu tấm cũng có.
Gia đình tôi không có nhiều điều kiện để chụp ảnh cùng nhau. Tuổi thơ chúng tôi, mỗi đứa chỉ được ba đưa đến tiệm chụp ảnh một, hai lần, thường là khi đứa nào cũng còn ẵm ngửa hoặc mới biết bò, biết lật, cao lắm là vừa biết đứng chựng, lẫm chẫm tập đi.
Tôi may mắn còn giữ được bức ảnh trắng đen của tuổi thơ. Đó là tấm ảnh thẻ học sinh 3x4, lúc mới vào tiểu học. Một bức ảnh thật quý giá luôn được cất giữ trong ví, dù nó... xấu và ngô nghê đến mức chỉ muốn giấu nhẹm đi!
Thêm một bức chụp ở biển Long Hải, hồi thập niên 1990, trong chuyến đi chơi ké cùng công ty của bà chị. Tôi trong bức ảnh là con bé gầy nhom, đen nhẻm, tóc mái cắt uốn kiểu "mái bông hồng" thịnh hành hồi đó (cùng với kiểu đầu sư tử huyền thoại của các ca sĩ đương thời).
Khi tìm được những bức ảnh này, thời gian như tua ngược lại. Một căn nhà lá nhỏ xíu, thứ mà chúng tôi luôn muốn nó biến thành ngôi nhà tường gạch lộng lẫy đẹp đẽ chỉ sau một giấc ngủ. Và rồi giấc mơ ấy cũng thành sự thật sau mấy chục năm.
Thật lạ lùng, mỗi khi bước sang năm mới, tôi đều đi chụp một bộ ảnh với bối cảnh nhà tranh vách lá phục dựng y hệt căn nhà nhỏ năm xưa, dù không thiếu những bối cảnh lộng lẫy tráng lệ hơn. Nhưng rồi bàng hoàng nhận ra mình lẻ loi trong bối cảnh đó, dù không gian phim trường, màu ảnh của thợ chuyên nghiệp nhuốm đầy hoài niệm.
Là bởi ba đâu còn để chúng tôi có thể cùng chụp lại một bức ảnh gia đình thân thương như ngày cũ. Những bức ảnh của ba được chụp bởi máy ảnh Kodak mượn của một người quen. Máy ảnh là một thứ máy móc xa xỉ, lạ lẫm, chụp không quen tay sợ hư hao nên chúng tôi cũng không dám "táy máy" nhiều.
Những năm sau này, khi đã có smartphone, chị em chúng tôi lại bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, hiếm có dịp tề tựu cùng nhau đủ mặt. Vậy nên, chúng tôi vẫn chưa có tấm hình đại gia đình nào.
Hôm nọ tình cờ đọc được một bài chia sẻ của một cô gái. Cô rất thích chụp hình, nhất là với ba ruột. Cô chụp với ông vào những dịp đặc biệt, từ khi cô còn học đại học đến lúc cô lập gia đình và sinh con. Họ chụp ở cùng một vị trí là chiếc ghế sofa giữa nhà. Những bức ảnh được chụp và đăng lên trang cá nhân đều đặn hằng năm. Cho đến một ngày, cô đăng một bức ảnh mà trên ghế trống một chỗ ngồi, thay vào đó là một cành hoa trắng. Người xem bàng hoàng nhận ra ba cô đã không còn nữa. Nhưng cô gái ấy hạnh phúc, vì nhờ những bức ảnh gia đình kia, cô đã sống trọn vẹn với ba mình.
'Mình không có tấm nào chụp với ba lúc lớn cả', Ngọc Ngân - làm nghề chụp hình, nhận ra. Ngày của cha, Ngân tự nhủ sẽ về quê Vĩnh Long cùng với ba chụp một tấm hình, hai ba con thân thiết hơn.