Gia đình sống tối giản ở Thượng Hải: 14 năm không mở điều hòa cho đến khi dịch bệnh phong tỏa và nắng nóng khủng khiếp ập đến

Chia sẻ Facebook
21/07/2022 14:41:30

Thật ra, Sherry cho rằng dịch bệnh làm con người ta yêu thiên nhiên hơn, thích hướng về những nơi tươi mát trong lành, hòa mình cùng đất trời.


Năm 2018, trang tin Yitiao phỏng vấn cô Sherry Poon tại nhà riêng ở Thượng Hải. Cô và chồng cùng 3 đứa con sống trong một căn nhà kiểu cũ 80m2.

Khi sửa chữa lại căn nhà, hai vợ chồng đã cố gắng tận dụng thiên nhiên để cấp sáng, thông gió, giữ ấm. Nhờ vậy mà mùa hè và đông đều rất ít mở điều hòa, mỗi tháng tiền điện không quá 100 NDT (gần 350 nghìn đồng).


Tháng 7 năm nay (2022), Thượng Hải hứng chịu đợt nắng nóng 40 độ C liên tiếp 1 tuần. Phóng viên Yitiao một lần nữa đến nhà của Sherry.

Liệu căn nhà lúc nào cũng giữ 20 độ C khi xưa giờ đây có nóng đến “tàn nhẫn” như ngoài trời không? Hay vẫn mát rượi như xuân sang? 2 năm dịch bệnh trôi qua, liệu họ còn sống với quan niệm bảo vệ môi trường nữa không?


"Xương cốt" của nhà chúng tôi rất khỏe

Sherry và Raefer là người Canada, sống ở Thượng Hải đã 21 năm. Từ tháng 12/2007, cả hai chuyển đến căn nhà cũ kỹ 80m2. Đến nay, căn nhà đã đông vui hơn, trở thành tổ ấm 5 người và 1 chú mèo.

Ở 14 năm, căn nhà không bị tu sửa quá nhiều, vì “xương cốt” của nó dưới bàn tay của vợ chồng Sherry vô cùng chắc chắn và khỏe mạnh.

Sherry và chồng đều học kiến trúc, nên đã bỏ ra rất nhiều công sức cho đợt tu sửa lúc mới nhận nhà.

Tất cả cửa sổ trong nhà đều được đổi thành loại kính 2 tầng và được lắp đặt càng kín càng tốt. Ngoài ra, trên mái nhà, phòng tắm và phòng ngủ áp mái của hai đứa con gái đều được lắp 5 cửa sổ lộ thiên để cấp sáng tự nhiên cho toàn bộ căn nhà.

Tường bên ngoài đều được sơn chất liệu cách nhiệt để giảm thiểu ảnh hưởng bởi những ngày nắng nóng hoặc đông rét.

Cứ thế, những vấn đề của căn nhà cũ đơn sơ như thông gió, cấp sáng, cách nhiệt, giữ ấm đều được giải quyết. Do đó, tổ ấm của Sherry, hè không cần mở điều hòa, đông không cần cấp ấm, trong nhà lúc nào cũng giữ mức 20 độ C.

Thời gian gần đây, Thượng Hải hứng chịu đợt nắng nóng kinh khủng 40 độ C mấy ngày liền. Ban ngày, Sherry mở điều hòa ở phòng khách, cả nhà chủ yếu sinh hoạt tại đây. Đến giờ ngủ thì tắt điều hòa phòng khách, mở điều hòa ở phòng ngủ áp mái. Tóm lại, chỉ có thể mở một điều hòa duy nhất!

Mái nhà có lắp thái dương năng, thiết bị lọc nước trong nhà nhờ đó ít tiêu hao điện năng hơn.

Vì để vừa tạo thẩm mỹ vừa tiết kiệm nguyên liệu gỗ, vợ chồng Sherry đã thiết kế vật dụng theo cách đặc biệt, cố gắng tạo khoảng trống hết mức có thể để “bụi bẩn không chốn dung thân”.

Bàn ghế dùng hơn 10 năm, chỉ thay mỗi lớp đệm da bên trên. Sàn, dụng cụ gỗ đều được gia công từ các loại gỗ ép. Giá thành rẻ, đảm bảo tính mỹ quan, có thể tháo dỡ lắp ráp dễ dàng, bảo vệ môi trường.

Nhiều năm trôi qua, căn nhà tuy cũ đi một chút nhưng không bị thay đổi quá nhiều. Cùng lắm chỉ mài nhẵn lại những chỗ sàn gỗ, góc tường bị bong tróc; đổi chiếc tủ lạnh và máy giặt đã dùng mười mấy năm. Đợi sau khi dịch bệnh ở Thượng Hải được kiểm soát, vợ chồng Sherry sẽ tu sửa lại bồn cầu và ống nước trong nhà vệ sinh.

Hơn 50 ngày thành phố phong tỏa vì dịch bệnh, 5 người và 1 con mèo quanh quẩn trong căn nhà 80m2. Ba đứa con học online, Raefer tham gia cuộc họp qua điện thoại, Sherry cũng phải làm việc. Cả 5 người cùng nói chuyện nên nhà cửa hơi ồn ào.

Đa số điều hòa trong nhà đều mở. Chỉ có 2 phòng ngủ và nhà vệ sinh được lắp đặt cửa. Sherry thỉnh thoảng lại trốn trong nhà vệ sinh để tìm kiếm một chút yên tĩnh.

Về sau, Sherry nói với chồng rằng nếu quyết định sống ở căn nhà này lâu dài thì phải lắp thêm một vài cánh cửa, hơn nữa lũ trẻ cũng đã lớn, chúng cần không gian riêng tư.

Nhà của Sherry nằm gọn trong con hẻm nhỏ. Muốn lên đến căn hộ của cô, phóng viên phải đi qua nhà bếp chung của 3 hộ dân hàng xóm. Ban đầu, hai vợ chồng quyết định ở đây vì muốn tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, làm quen với xóm giềng nên không tìm đến khu dân cư hiện đại.

Bình thường đi ngang qua nhà bếp chung, Sherry thường bắt chuyện với hàng xóm vài ba câu. Cứ thế đôi bên dần trở nên thân thiết.

Nếu đổi nhà ở Thượng Hải, vợ chồng Sherry vẫn sẽ chọn khu dân cư kiểu như vậy, tiếp tục dùng những chất liệu bảo vệ môi trường.

Dịch bệnh phong tỏa, liệu còn sống theo phong cách bảo vệ môi trường nữa không?

Raefer lớn lên tại một vùng nông thôn ở Canada. Đất đai rộng rãi, anh chưa từng biết đến sự tồn tại của những ngôi nhà chật chội, đã quen với việc mỗi lần nhìn ra cửa sổ đều là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Về sau, anh còn tham gia vào dự án kiến trúc xanh hóa.

Do đó, tư tưởng hòa hợp với thiên nhiên và bảo vệ môi trường luôn xuất hiện trong cuộc sống lẫn công việc của vợ chồng Sherry.

Dịch bệnh phong tỏa, Sherry được nhiều bạn bè hỏi rằng còn duy trì thói quen sống bảo vệ môi trường không? Bởi lẽ bất kể người Trung Quốc hay người nước ngoài đều phải chịu áp lực và khó khăn như nhau.

Bình thường Sherry đi chợ đều tự mang theo túi đựng, lựa chọn thực phẩm có bao bì ít nhựa nhất có thể. Nhưng sau khi thành phố chính thức phong toả, mỗi sáng 5 giờ cô lại bắt đầu mở điện thoại mua thực phẩm online, không thể kiểm soát được việc sử dụng bao bì nhựa.

Đồng thời, hai vợ chồng cũng có mối lo trong vấn đề công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ba đứa con ở nhà học online. Sherry luôn hỏi han, quan tâm vì sợ chúng phát sinh các vấn đề tâm lý.

Do đó, gia đình Sherry bắt buộc phải sử dụng đồ nhựa dùng một lần như khẩu trang, túi nhựa… Đặc biệt trong giai đoạn này, bảo vệ sức khỏe và duy trì tinh thần lạc quan mới là chuyện cần quan tâm hàng đầu. Nhiều thói quen sống bảo vệ môi trường thật sự không thể duy trì.

Thế nhưng theo Sherry, chúng ta có thể sống bảo vệ môi trường theo cách chủ động hơn. Ví dụ, túi thực phẩm hằng ngày đều được Sherry giữ lại, hiện tại có thể được ra ngoài thì tận dụng để mua sắm.

Nhiều người hỏi Sherry hãy cho họ một vài tips về phong cách sống. Sherry đều nói:

“Bạn phải chọn được phong cách sống cho riêng mình. Thu chi mỗi ngày bao nhiêu, quen mua đồ ở đâu, có bao nhiêu thời gian rảnh rỗi, sở thích gì… Nếu ngày nào cũng bận rộn công việc thì việc chăm chút cho cuộc sống sẽ khó hơn. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ như dùng xà phòng cục thay vì bình nhựa… Hành động nhỏ nhưng tác động lớn”.

Sherry tự làm sữa chua, dùng vỏ trái cây và vụn rau xanh làm phân bón, tự làm bánh xà phòng, thậm chí rảnh rỗi hơn còn may quần áo cho con.

Nhưng nhịp sống ở Thượng Hải càng lúc càng nhanh, phải nỗ lực thật nhiều mới mang lại cuộc sống hợp lý cho gia đình. Giai đoạn dịch bệnh khó khăn, cắt bỏ những lãng phí nhỏ nhặt, ăn uống lành mạnh, không đặt đồ ăn online, đồng thời mua sắm đúng thời điểm, đúng mùa, đủ dùng và cần thiết.

2-3 năm trước, Sherry thường dẫn con đến nông trường làm tình nguyện, ăn uống ngủ nghỉ tại chỗ, tỉnh dậy lại đi ra đồng làm việc, học làm nông dân.

Vợ chồng Sherry hy vọng cách sống hiện tại có thể gieo vào lòng con cái một hạt giống về cách sống tối giản và tiết kiệm. Sherry may đồ cho con, hai đứa con gái thấy mẹ làm thì cũng hứng thú làm theo, nên chúng đã tự may quần áo cho búp bê từ nhỏ, bây giờ còn dùng vải cũ may túi đeo.

Dịch bệnh hoành hành, ai cũng hướng về cuộc sống giản đơn hơn. Cả nhà 5 người của Sherry đã sống tối giản rất nhiều và bây giờ càng tối giản hơn nữa.

Có thể bạn cho rằng căn nhà quá mức “xịn sò” như vậy thì không phải tối giản. Nhưng bạn đã sai về định nghĩa thật sự của tối giản.

Hãy nhìn căn nhà của vợ chồng Sherry xem! Mọi ngóc ngách đều cực kỳ ngăn nắp, hòa hợp với thiên nhiên, đầy nắng ấm và cây xanh. Ngay cả tâm thái của 2 người trưởng thành và 3 đứa trẻ vị thành niên cũng hướng về sự tối giản đúng nghĩa.


(Nguồn: Zhihu)

Phụ nữ Việt Nam

Chia sẻ Facebook