Gia đình – Nơi nuôi dưỡng nhân cách

Chia sẻ Facebook
07/11/2022 13:44:30

Thời nào cũng vậy, gia đình vẫn luôn là nơi để trở về, nơi mỗi người sinh ra, lớn lên và trưởng thành.


Bởi cuộc sống bao bộn bề, áp lực khiến đôi khi đâu đó, nhiều giá trị hay mối quan hệ gia đình đang bị lung lay. Nhưng thời nào cũng vậy, gia đình vẫn luôn là nơi để trở về, nơi mỗi người sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng và trao truyền những giá trị tốt đẹp, tri thức văn hóa với những bài học đầu tiên về đạo lý làm người.


Hiếu - lễ, đạo lý làm người đầu tiên mà thế hệ ông bà dạy cho các con, cháu trong gia đình, phải luôn nhớ nơi mình sinh ra, tình cảm, tình yêu thương của cha mẹ thật giản dị, nhưng chính là động lực nuôi dưỡng mỗi người trưởng thành. Dù đi xa hay ở gần, đạo hiếu vẫn luôn là nền tảng, đạo lý xuyên suốt để các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, hiếu kính với ông bà, cha mẹ; cha mẹ hy sinh cho con cái; sống thủy chung trọn nghĩa vẹn tình trong mối quan hệ vợ chồn… những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là nền tảng tạo nên những người Việt trọng nghĩa trọng tình.

"Cơm sôi bớt lửa chẳng khê chút nào, những người lúc nhỏ biết cách đãi gạo, nhặt hạt sạn ra thì lớn lên sẽ biết cách từ từ nhặt hạt sạn tâm hồn của mình. Đó là cách tu dưỡng, rèn luyện của con người từ lúc còn nhỏ ngay trong gia đình", PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Xã hội hiện đại, diện mạo đời sống nhiều đổi thay và gia đình cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thay vì cứng nhắc cha mẹ đạt đâu con ngồi đây thì gần đây, các bậc làm cha làm mẹ đã học cách lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng con cái. Bên cạnh những giá trị truyền thống, gia đình Việt Nam bổ sung thêm những giá trị mới, mang hơi thở thời đại văn minh, tiến bộ, bình đẳng.

"Dù xã hội thay đổi như thế nào, người già vẫn là trụ cột cho tất cả con cháu trong nhà. Sự kết nối này vô cùng cần cho cả hai, với bố mẹ và cả con cháu", Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết.

Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh là những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam trong thời đại mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11 năm ngoái. Tổng bí thư khẳng định, hệ giá trị gia đình có vai trò rất quan trọng định hình giá trị con người Việt Nam, gắn với hệ giá trị văn hóa, và cao hơn là hệ giá trị quốc gia. Con người chuẩn mực, gia đình hạnh phúc, xã hội bình yên thì quốc gia mới hùng cường, phồn vinh. Bởi trụ cột của văn hóa Việt Nam chính là Nhà - làng - nước. Khi gia đình là tổ ấm, ông bà cha mẹ mẫu mực, đó là nơi tuyệt vời nhất bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người, là động lực để mỗi người cống hiến cho xã hội, cho đất nước.

Khoảng cách vô hình trong những gia đình hiện đại Một khoảng cách vô hình đang tồn tại trong những gia đình hiện đại và đang làm thay đổi văn hóa gia đình thời nay.

Chia sẻ Facebook