Gia đình có 4 “bảo vật” này, không hưng vượng cũng phú quý
Mỗi người đều mong muốn gia đình mình hạnh phúc, giàu sang, nhưng một tổ ấm hưng vượng như vậy quả thực là điều không dễ...
Gia đình vĩnh viễn là bến đỗ bình yên, là chốn về ấm áp của mỗi người. Dẫu bản thân ở bên ngoài phải chịu bao nhiêu ấm ức, bất luận đêm hôm khuya khoắt thì ngọn đèn trong gia đình vẫn luôn được thắp sáng vì bạn. Mỗi người đều mong muốn gia đình mình hạnh phúc, giàu sang, nhưng một gia đình hưng vượng như vậy quả thực là điều không dễ. Những gia đình đó thường có 4 “bảo vật” dưới đây.
Ai nấy đều có lòng bao dung
Phàm mọi việc “lùi một bước biển rộng trời cao” . Trong cuộc sống chẳng thể nào mọi sự đều thuận lòng như ý, sẽ khó tránh khỏi những khi bất đồng ý kiến với người khác. Không chỉ khi chung sống với bạn bè mới cần tới lòng khoan dung, mà khi ở cùng người nhà lại càng nên như vậy.
Khi gặp chuyện trái ý, những lời oán trách chỉ là thứ vô dụng. Sự việc đã xảy ra thì cần học cách tiếp nhận nó, chứ không phải một mực chỉ trích người nhà mình. Là những người thân thiết nhất trên đời, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em bao dung lẫn nhau, gia đình mới có thể hạnh phúc.
Gia đình ai nấy đều có thói quen tiết kiệm
Muốn thành tựu một gia đình, thu xếp ổn thoả mọi chi tiêu, thì cần có một quan niệm tốt về quản lý tài chính, và cần nhớ câu ca dao xưa: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Không lo lắng việc nhà cửa thì không biết rằng mắm muối củi lửa đều đắt đỏ. Có lẽ hiện giờ bạn chưa có khái niệm chính xác về chuyện tiền nong, nhưng khi đã có gia đình nhỏ của mình, sau khi kết hôn bạn sẽ phải chăm sóc những thành viên khác trong gia đình. Cha mẹ dần dần già đi, những tiểu thiên sứ sẽ lần lượt ra đời.
Nếu bạn vẫn quen với cuộc sống độc thân như xưa, thì cuộc sống cơ bản trong gia đình sẽ không thể đảm bảo, giữa vợ chồng sẽ vì chuyện quy hoạch tài chính mà tiếng bấc ném qua, tiếng chì ném lại. Một gia đình như vậy, sao có thể giàu có và chung sống hài hoà được đây?
Ai nấy đều hiếu thuận
Trong “Du Tử Ngâm” viết rằng: “Thuỳ ngôn thốn thảo tâm, báo đắc ba xuân huy” , nghĩa là ta nhận ân tình của cha mẹ như ngọn cỏ dưới nắng xuân, cỏ chẳng thể báo đáp điều ấy vậy. Cha mẹ dành tất cả những điều tốt đẹp cho chúng ta, hết lòng vì chúng ta, dẫu báo đáp tới đâu thì cũng không bằng một phần vạn của nghĩa mẹ tình cha.
Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” , trong trăm điều thiện hiếu đứng đầu. Con người có hiếu thì cuộc sống mới thuận. Người hiếu thuận ắt có phúc báo.
Tương truyền thời Xuân Thu có Lão Lai Tử vô cùng hiếu thuận. Năm 71 tuổi ông vẫn mặc quần áo sặc sỡ, đóng giả làm cậu bé ngây ngô đuổi gà, đánh đổ thùng nước khiến cha mẹ cười nghiêng ngả. Sau này Lão Lai Tử trở thành tấm gương điển hình về lòng hiếu thuận với cha mẹ.
Con cái không có lòng hiếu thuận là nỗi bi ai lớn nhất của cha mẹ. Cả đời vất vả dưỡng dục con cái trưởng thành, đợi tới khi tóc bạc da mồi, không còn khả năng lao động, mà con cái bất hiếu, thì ngay cả nhu cầu cơ bản của cuộc sống cũng chẳng thể đảm bảo, gia đình sao có thể hạnh phúc được đây?
Gia đình ai nấy đều có lòng yêu thương
“Nhân ái hiếu đễ” là mỹ đức văn hoá truyền thống. “Đễ” là chỉ sự yêu thương giữa anh chị em trong gia đình. Họ đều là người thân, chung sống với nhau từ tấm bé, khó có thể tránh khỏi những lúc cãi cọ, nhưng chỉ là lời qua tiếng lại trong những việc vặt vãnh. Khi gặp đại sự, chẳng thể qua loa đại khái cho xong việc.
Một gia đình muốn hạnh phúc, thì anh chị em chung sống hài hoà là điều tất yếu. Khi anh em đồng sức đồng lòng, thì gia đình ấy mới có thể phát triển theo hướng mong đợi.
Trong cuốn “Mặc Tử – Khiêm Ái Thượng” có viết rằng:
“Cha chỉ yêu mình, không yêu con, cho nên làm hại con để lợi cho mình; Anh chỉ yêu mình, không yêu em, cho nên làm hại em để lợi cho mình; Vua chỉ yêu mình, không yêu bề tôi, cho nên làm hại bề tôi để lợi cho mình. Thế là vì sao? Tất cả đều sinh ra từ chỗ người ta không thương yêu lẫn nhau.
Mọi việc rối loạn trong thiên hạ đều do những việc ấy mà thôi vậy. Xét những việc ấy từ đâu mà ra? Tất cả đều phát sinh từ chỗ người ta không yêu thương lẫn nhau vậy.”
(Bản dịch của Trần Văn Chánh)
Có được bốn bảo vật trên, gia đình không hưng vượng cũng phú quý.
Thiên Cầm
Mời xem video: 6 chữ dạy con của gia tộc danh giá nhất Trung Hoa