Giá điện thoại, máy tính bảng, gas, xăng dầu... nhấp nhổm tăng theo tỉ giá
Hàng loạt mặt hàng phải nhập khẩu hoặc có nguyên phụ liệu phải nhập khẩu đã tăng giá hoặc đang chịu áp lực tăng giá không nhỏ.
Tỉ giá đang tác động rất sâu rộng. Các ngành hàng dịch vụ như du lịch, hàng không, thậm chí các doanh nghiệp đang phải mở rộng quy mô sản xuất cũng bị tác động mạnh.
Giá gas, xăng dầu... sẽ cộng thêm chênh lệch tỉ giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Tuấn, phó giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương, cho biết đối với thị trường gas, giá sẽ được công bố vào ngày 1 hằng tháng và áp dụng cho cả tháng.
Đến nay, do chênh lệch tỉ giá giữa USD và VND nên giá nhập khẩu đã tăng thêm 8.000 đồng/bình 12kg. Ông Tuấn cho hay các doanh nghiệp nhập khẩu chịu khoản lỗ lên đến hàng tỉ đồng tùy theo mức độ nhập khẩu. Hiện dự báo giá gas sẽ giảm 10 USD/tấn, tương đương mức giảm khoảng 3.000 đồng đối với bình gas 12kg vào tháng 11. Tuy nhiên, do USD tăng giá nên thay vì gas giảm giá theo dự báo, giá gas sẽ nhiều khả năng tăng khoảng 5.000 đồng/bình 12kg.
Còn với xăng dầu, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho biết biến động tỉ giá sẽ ảnh hưởng lớn. Hiện các doanh nghiệp nhập khẩu đều đi vay ngân hàng bằng VND để quy ra USD mua xăng dầu thế giới, gây áp lực lên các doanh nghiệp lẫn áp lực giá xăng.
Vị này tính toán các doanh nghiệp thường trả cho bên bán xăng dầu chậm 30 - 60 ngày hoặc trả khi hàng cập cảng. "Doanh nghiệp nào mua hàng từ đầu tháng 10, bán hàng xong rồi nhưng đến giờ mới trả tiền cho phía xuất khẩu, nay lấy tiền Việt mua USD là đau đầu luôn bởi tỉ giá đã tăng cao rồi, áp lực rất lớn", vị lãnh đạo này nói.
Hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác cũng đang phải tính lại giá. Bà Ánh Hồng, giám đốc marketing hệ thống bán lẻ 24hStore, cho biết để nhập khẩu lô hàng điện thoại giá 300.000 USD, thay vì dự toán bỏ ra dưới 7 tỉ đồng, khi USD tăng giá, 24hStore sẽ phải bỏ ra từ 7,3 - 7,5 tỉ đồng. Hiện tại, hàng nhập từ trước khi thay đổi tỉ giá vẫn còn. Nhưng giá thành điện thoại, laptop, máy tính bảng... tại 24hStore trong thời gian tới sẽ tăng lên khi nhập mới về.
Một trong những sản phẩm công nghệ "hot" nhất hiện nay là iPhone 14 và các phiên bản iPhone đời trước. Khi hàng nhập về đợt trước hết, giám đốc một hệ thống bán lẻ tính toán iPhone 14 mới ra mắt, bản 128GB sẽ tăng 300.000 đồng, trong khi các phiên bản dung lượng bộ nhớ cao hơn tăng ít nhất 600.000 đồng. Ngay iPhone 12 và 13 (Pro Max bản 128GB) mới nhập về cũng sẽ tăng 300.000 đồng; phiên bản 256GB tăng 400.000 đồng.
Hàng không, du lịch lo tỉ giá "ăn" lợi nhuận
Tỉ giá điều chỉnh tăng mạnh thời gian gần đây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch, đặc biệt là đường tour outbound (đưa khách đi nước ngoài).
Ông Nguyễn Hữu Lộc, phụ trách kinh doanh Công ty du lịch Golden Smile, cho biết thanh toán bằng USD được áp dụng cho tất cả thị trường Đông Nam Á, chứ không chỉ thị trường Mỹ. Tỉ giá điều chỉnh, doanh nghiệp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là thanh toán bằng USD cho đối tác nước ngoài theo tỉ giá mới nhưng không được điều chỉnh giá bán tour cho khách hàng trong nước.
Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ lỗ vì lợi nhuận của tour ghép lẻ không đến 10%, thậm chí rất thấp vì có nhiều đoàn tour không đủ số lượng kỳ vọng.
"Thời điểm bán tour cho khách, công ty tạm tính theo giá USD cũ, nay giá USD tăng cao đang gây khó khăn, các tour tổ chức sẽ có lợi nhuận thu về rất ít, thậm chí lỗ, nếu may lắm thì huề vốn. Diễn biến hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp chưa dám đẩy mạnh dịch vụ tour Tết đi nước ngoài", ông Lộc nói.
Ngay với thị trường châu Âu, ông Phan Xuân Anh, chủ tịch Công ty du ngoạn Việt, cho hay dù đồng euro đang mất giá, người Việt đi nước ngoài sẽ có lợi nhưng với các công ty du lịch sau khi thanh toán bằng euro thì phải chuyển sang USD để thanh toán các dịch vụ quốc tế, rất bất tiện.
Hiện không ít công ty đã ra giá tour Tết và chào bán trên thị trường nên gần như rất khó điều chỉnh giá tour, vì vậy một số doanh nghiệp chia sẻ họ buộc phải cắt giảm chương trình khuyến mãi.
Giám đốc một doanh nghiệp du lịch có trụ sở ở quận 1 (TP.HCM) cho biết ông vừa phải quyết định điều chỉnh giá tour xuất ngoại tăng thêm 5% dưới hình thức phụ thu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng hàng không xác nhận phí thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí, chưa kể tiền dịch vụ cảng, nhân sự ở nước ngoài phải trả bằng USD. Khách quốc tế chưa hồi phục, hãng bay vẫn gắng bay dù ghế trống rất nhiều để giữ slot (lượt cất hạ cánh). Với tình hình tỉ giá hiện nay, vị này cho biết sẽ bị áp lực rất lớn đến việc cân chỉnh giá vé máy bay.
Các hợp đồng thuê máy bay tính theo giá USD và hãng bay hiện đã chốt thuê thêm nhiều máy bay để phục vụ dịp Tết này và chuẩn bị tăng bay quốc tế cũng là áp lực cho hãng bay.
Yêu cầu kiểm tra, giá USD tự do dịu lại
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ cuối ngày 23-10, giá mua bán USD tại thị trường tự do đã dịu lại sau khi Ngân hàng Nhà nước TP.HCM có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ. Theo báo giá của một số điểm thu đổi ngoại tệ, giá bán USD ở mức 25.150 đồng/USD, mua vào 24.950 đồng/USD. Trước đó giá bán USD tại thị trường tự do từng tăng lên đến 25.400 đồng/USD cũng là mức cao nhất trong lịch sử sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND từ 3% lên 5%.
Trong khi đó giá bán USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng. Theo giá niêm yết cuối tuần qua, giá bán USD tại Vietcombank là 24.870 đồng/USD, mua vào 24.590 đồng/USD, tăng tới 270 đồng/USD so với ngày 21-10. Sacombank niêm yết giá USD mua vào 24.715 đồng/USD, bán ra 24.871 đồng/USD, tăng 226 đồng/USD.
Khó cho doanh nghiệp tăng quy mô, vay nợ USD...
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch HĐQT Công ty cơ khí Duy Khanh (TP.HCM), đang mở rộng nhà máy, cho biết khi nhập máy móc từ nước ngoài, phải tính theo tỉ giá tại thời điểm thanh toán. "Trước giá 1 USD khoảng 23.400 đồng nhưng đến nay đã xấp xỉ 25.000 đồng, khiến đẩy chi phí tăng thêm cả chục tỉ đồng", ông Tống nói.
Ông Nguyễn Thái Linh, giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, cho hay tuần qua công ty ông đã phải mua 80.000 USD với giá hơn 25.100 đồng/USD để thanh toán cho nguyên liệu nhập khẩu. Ngân hàng báo giá theo thời điểm, nếu không chốt thì có thể nửa tiếng hoặc một tiếng sau giá đã khác. Với việc giá USD tăng như hiện nay thì đợt hàng sắp tới giá sẽ phải tăng 5 - 7% tương ứng với đà tăng của giá USD.
Ông H., giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu sắt thép tại quận 12, TP.HCM, cho biết đã thanh toán một phần nợ vay, chỉ còn lại khoảng 300.000 USD mà bị mất thêm đến 200 triệu đồng chỉ trong một tuần vì tỉ giá tăng.
Ảnh hưởng sâu rộng
Tuần qua, chị Minh Thúy (TP Thủ Đức, TP.HCM) khi thấy các nhãn hàng yêu thích có chương trình giảm giá cuối năm, chị liền chọn mẫu túi yêu thích. Khi đó bên mua hộ hàng tính tỉ giá 24.700 đồng/USD. Đang phân vân ai ngờ qua ngày hôm sau họ báo tỉ giá lên 25.000 đồng, rồi ngày 23-10 thì lên 25.400 đồng/USD. Giá tăng khiến chiếc túi tăng giá hơn 100.000 đồng.
Một số doanh nhân công nhận doanh nghiệp nào phải nhập khẩu hoặc làm dịch vụ nếu có thêm phần xuất khẩu thì sẽ được bù lại, do mang được USD từ ngoài về, bán lại theo tỉ giá mới, được nhiều VND hơn. Nhưng nhiều doanh nghiệp logistics cho biết dù là xuất khẩu hay nhập khẩu, doanh nghiệp đều phải trả chi phí vận tải quốc tế. Trong khi hiện nay toàn bộ cước này tính bằng USD. Ông Trần Đức Nghĩa, giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Delta, nhìn nhận giá USD dù đắt thêm 1%, doanh nghiệp thuê tàu sẽ phải trả chi phí tăng lên đúng 1% đó. Khi tỉ giá tăng sẽ làm chi phí từ xăng dầu, phụ tùng thay thế nhập khẩu tăng giá theo, tác động sâu rộng.