Giá dầu thế giới tăng liên tục 3 ngày liên tiếp
Giá dầu đã tăng liên tiếp trong 3 ngày gần đây khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine kéo dài gần một tháng. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng lên gây không ít lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Theo Hãng tin Bloomberg, cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài gần một tháng và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của thị trường.
Ngày 21-3, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao vào tháng 4-2022 tại thị trường New York (Mỹ) đã tăng 7,42 USD lên trên 112,12 USD/thùng, trong khi giá giao tháng 5 tăng 6,88 USD lên 109,97 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 5 cũng tăng 7,69 USD lên 115,62 USD/thùng.
Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang thúc đẩy vòng trừng phạt thứ năm đối với Nga, mặc dù một số nước vẫn phản đối việc cấm vận dầu.
Điện Kremlin cho biết lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của EU (nếu có) sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường dầu thô toàn cầu, đặc biệt là châu Âu.
Ông Rohan Reddy, nhà phân tích nghiên cứu tại Global X Management, một công ty quản lý 2 tỉ USD tài sản liên quan đến năng lượng, cho biết khả năng EU trừng phạt dầu của Nga "có vẻ không thực tế vì họ phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga".
"Về cơ bản, những biện pháp này sẽ loại bỏ 4-5% nguồn cung dầu toàn cầu", ông Reddy cảnh báo.
Ở một diễn biến khác, lợi suất nhiều loại trái phiếu đã tăng mạnh trong ngày 22-3, sau khi chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell bắn tín hiệu sẽ mạnh tay chống lạm phát.
Mức lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 30 năm của Mỹ đang ở khoảng cách hẹp nhất kể từ năm 2007, báo hiệu viễn cảnh suy thoái kinh tế đi kèm việc FED tăng chi phí đi vay.
Thông thường, thời gian đáo hạn càng dài thì rủi ro sẽ càng tăng lên, dẫn đến lợi suất càng cao. Việc chênh lệch giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn bị rút ngắn vì thế được xem là chỉ báo cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái.
Ngày 21-3, lợi suất ngắn hạn của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã công bố những mức tăng hằng ngày cao nhất khoảng 10 năm qua.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 4 điểm cơ bản lên 2,33%, trong khi lợi suất trái phiếu Úc kỳ hạn 10 năm tăng 14 điểm cơ bản lên 2,72%.
Giá cổ phiếu ở châu Á tăng cao hơn, chống lại sự biến động của trái phiếu.
Chỉ số Topix (Nhật Bản) tăng 1,4%. Chỉ số S&P/ASX 200 Index (Úc) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt tăng 1,2% và 0,7%.
Tình hình tại Trung Quốc có biến động hơn so với phần còn lại của khu vực. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,8% và Shanghai Composite giảm 0,1%.
Một loạt các động thái vận động cấm vận dầu Nga đang được thực hiện trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO và EU giữa tuần này.