Giá dầu thế giới giảm sâu

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 07:08:08

Chỉ số Công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức giảm 0,26%, chỉ số S&P 500 gần như đi ngang, trong khi Nasdaq thiên về công nghệ tăng 0,41%.


Các chỉ số chính tại phố Wall đã kết thúc trái chiều trong phiên giao dịch hôm 4/8, khi các nhà đầu tư tiếp tục xem xét các bản cập nhật mới nhất của nền kinh tế và thu nhập doanh nghiệp. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones sụt giảm trong khi Nasdaq tăng lên. Cổ phiếu các công ty năng lượng giảm, trong khi các nhà bán lẻ và công ty công nghệ tăng giá.


Chỉ số Công nghiệp Dow Jones (.DJI) giảm 85,68 điểm tương đương 0,26%, xuống còn 32.726,82. Chỉ số S&P 500 (.SPX) giảm 3,23 điểm tương đương 0,08%, xuống còn 4.151,94. Nasdaq Composite (.IXIC) thiên về các công ty lĩnh vực công nghệ tăng 52,42 điểm tương đương 0,41% lên mức 12.720,58. Chỉ số Russell 2000 đại diện cho các công ty có vốn hoá nhỏ giảm 2,47 điểm tương đương 0,1%, xuống còn 1.906,45.


Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 14% so với mức thấp nhất hồi giữa tháng 6, nhưng đã giảm khoảng 13% trong năm do lo ngại về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao, dịch Covid-19 ở Trung Quốc và diễn biến nâng lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương.


Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, công ty giao dịch tiền điện tử Coinbase Global Inc (COIN.O) tăng 10% sau khi công bố hợp tác với hãng quản lý rủi ro và tài sản BlackRock (BLK.N). Công ty bảo hiểm sức khỏe Cigna Corp (CI.N) tăng 3,1% sau khi nâng dự báo lợi nhuận hàng năm. Hãng dược Drugmaker Eli Lilly and Co (LLY.N) trượt 2,6% khi lần thứ hai hạ dự báo lợi nhuận hàng năm. Công ty Meta sở hữu mạng xã hội Facebook và Instagram (META.O) đóng cửa với mức tăng 1,0% sau khi cho biết sẽ thực hiện chào bán trái phiếu lần đầu tiên.

Các nhà giao dịch đang làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào ngày 10/5/2022. Ảnh: Sở giao dịch chứng khoán New York.


Dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người dân nước này nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã gia tăng trong tuần trước do lượng người thất nghiệp tiếp tục tăng nhẹ. Các báo cáo việc làm của tháng 7 có ý nghĩa quan trọng bởi tăng trưởng việc làm mạnh mẽ là một trong những lập luận chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi nâng lãi suất cơ bản. Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố vào tuần trước: "Thị trường lao động đang rất mạnh, nên không thể cho là nền kinh tế đang rơi vào suy thoái”.


Giá dầu toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu hồi tháng 2, nguyên nhân do các nhà giao dịch lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế vào cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.


Giá dầu thô Brent giao dịch tương lai giảm 2,66 USD tương đương 2,75% xuống còn 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2. Giá dầu thô giao dịch kỳ hạn West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 2,34 USD tương đương 2,12% xuống còn 88,54 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.


Mặc dù nhu cầu xăng dầu trong tháng 7 vừa qua đã cao hơn một chút so với tháng 7/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh , nhưng vẫn thấp hơn so với các tháng 7 khác kể từ năm 1997, theo công ty dịch vụ tài chính Standard Chartered nhận định.


Ông Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của Tổ chức Dịch vụ Thông tin giá dầu (OPIS) , cho biết: “Chúng tôi chưa thấy nhu cầu phục hồi, mặc dù giá đã ở mức vừa phải hơn nhiều so với nửa đầu năm” .


Phạm Hà Thanh (theo Reuters, AP, The Wall Street Journal)

Chia sẻ Facebook