Giá dầu thế giới giảm 10% trong tuần qua
Chốt phiên 18/11, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 giảm 2,16 USD, hay 2,4%, xuống 87,62 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm 10% trong tuần qua, tuần giảm thứ hai liên tiếp, do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng và các thị trường vẫn tiếp tục theo dõi các động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Giá dầu chốt phiên cuối tuần ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng Chín, khi chính sách zero-COVID lại được thực hiện trong tuần này, gây lo ngại nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm.
Giá dầu giảm hơn 3% trong phiên 17/11 do nhu cầu bị siết chặt bởi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc và lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ. Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 3,08 USD (3,3%) xuống 89,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3,95 USD (4,6%) xuống 81,64 USD/thùng.
Giá dầu chốt phiên 16/11 giảm, khi các nhà giao dịch đánh giá số liệu về dự trữ nhiên liệu của Mỹ. Giá dầu WTI giảm 1,33 USD, hay 1,5%, xuống 85,59 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1 USD, hay 1,1%, xuống 92,86 USD/thùng.
Trong phiên 15/11, giá dầu đi lên sau thông tin nguồn cung dầu cho Hungary thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba tạm ngưng do áp suất giảm. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 72 xu Mỹ lên 93,86 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 1,05 USD lên 86,92 USD/thùng.
Giá dầu giảm khoảng 3 USD vào ngày 14/11, do đồng USD mạnh hơn, trong khi số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc gia tăng đã làm tiêu tan hy vọng về việc nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế. Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,85 USD, tương đương 3%, ở mức 93,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 3,09 USD, tương đương 3,47%, xuống 85,87 USD/thùng.
Giá dầu chịu sức ép trong tuần này, do những lo ngại về nhu cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong lúc có dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt hơn.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cảnh báo các thành phố không nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch một cách thiếu trách nhiệm. The Wall Street Journal đưa tin, số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc tăng gấp bảy lần trong hai tuần qua, khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhằm giảm bớt tác động.
Về phía nguồn cung, các nhà giao dịch đánh giá liệu nguồn cung sẽ giảm đến mức nào khi Liên minh châu Âu (EU) thực thi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga từ ngày 5/12 và liệu có một mức trần giá hiệu quả cho phép Nga xuất khẩu dầu với mức giá thấp hay không.
Theo nhà phân tích Barbara Lambrecht tại ngân hàng Commerzbank (Đức), thị trường đang hướng sự chú ý đến nguồn cung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh trong vài tuần tới để đánh giá liệu sản lượng của nhóm này thực tế sẽ giảm bao nhiêu sau thông báo chính thức về việc giảm 2 triệu thùng.
Các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa rõ về tác động từ lệnh cấm EU và trần giá đến nguồn cung dầu từ Nga. Nga vẫn đang tìm kiếm khách hàng và thậm chí tăng sản lượng.