Giá dầu tăng do triển vọng OPEC + cắt giảm nguồn cung
Ngày 29/8, giá dầu thế giới đã tăng hơn 4% sau khi đã có những phiên giảm giá trước đó 3 ngày.
Giá dầu tăng sau những thông tin về khả năng OPEC + cắt giảm sản lượng và do lo ngại nguồn cung từ Iran có thể tăng lên. Mặc khác, thông tin về việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu về nhiên liệu cũng có tác động không nhỏ tới giá dầu thế giới .
Điều thị trường lo ngại hiện nay là những tuyên bố về khả năng cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia không đơn thuần đến từ yếu tố kinh tế hay là cán cân cung cầu trên thị trường. Thực tế dư luận Trung Đông những ngày qua cho rằng, tuyên bố của Saudi Arabia còn nhằm gửi tới Mỹ một thông điệp, phải thực sự cân nhắc tới lợi ích của Riyadh trong bất cứ bước đi nào về hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nếu vậy, một sự gia tăng nguồn cung dầu của Iran có thể sẽ lại là tiền đề cho những biến động nguồn cung từ Riyadh và một số quốc gia vùng Vịnh. Đó là còn chưa nói đến những giếng dầu từ Iran đã bị đình trệ vì các lệnh cấm vận, nay ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân Iran có đạt được, để khởi động lại các giếng dầu này sẽ cần mất thời gian và cả không ít chi phí.
Với Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới, các tính toán cho thấy là giá dầu đạt 85 USD/thùng thì họ sẽ cân bằng được ngân sách hiện nay. Trung Đông vì thế cho rằng ngay cả khi chưa tính tới các yếu tố chính trị, nếu giá dầu xuống dưới mốc 85 USD/thùng, Saudi Arabia có thể sẽ không ngại ngần hành động, lại thắt chặt van dầu.
EU có thể biện pháp gì để kiểm soát giá năng lượng?
Đối với châu Âu, ngoài chịu áp lực từ giá dầu thế giới, các quốc gia khu vực này còn phải chịu tác động từ việc giảm nguồn cung từ Nga sau khi áp đặt các lệnh cấm vận đối với Moskva. EU đang lên kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm kiểm soát giá năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng châu Âu không dễ để thích ứng khi thiếu nguồn cung từ Nga.
Hiện biện pháp kiểm soát giá năng lượng chủ yếu của EU vẫn là giảm các loại thuế liên quan và dùng tiền ngân sách nhà nước trợ giá cho người tiêu dùng cuối. Ví dụ như giá bán buôn điện đã tăng gấp hơn 10 lần. Điều đó không có nghĩa là các hộ gia đình và doanh nghiệp phải trả tiền mua điện gấp 10 lần, bởi vì chính phủ vẫn bơm tiền trợ giá điện, giá bán lẻ điện sẽ tăng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, biện pháp can thiệp vào thị trường để ghìm giá chỉ có thể thực hiện được trong thời gian ngắn, với hy vọng mọi chuyện sẽ sớm trở lại bình thường.
Còn nếu giá năng lượng nhập khẩu cứ cao mãi nguy cơ sẽ là tới lúc ngân sách công không chịu nổi, bắt buộc phải tăng mạnh giá bán lẻ. Lúc đó sẽ là vấn đề lớn, không chỉ về kinh tế, mà còn tác động tới ổn định xã hội nữa.
Một biện pháp nữa là EU kêu gọi hoặc bắt buộc tiết kiệm năng lượng, nhằm tránh một kịch bản tồi tệ khác đã được bàn tới là nguy cơ phải phân phối năng lượng theo hạn định. Các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu sẽ họp vào thứ 6 tuần sau nhằm tìm nguồn cung cấp mới và cải thiện cơ cấu liên thông năng lượng giữa các nước thành viên.
Nga đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để thảo luận về các hợp đồng dầu dài hạn với mức giảm có thể lên tới 30%, theo Bloomberg.