Giá dầu sụt giảm không phản ánh đầy đủ rủi ro nguồn cung từ Nga

Chia sẻ Facebook
04/04/2022 00:26:28

Dầu Brent đã lên tới gần 140 USD/thùng sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, tuy nhiên tuần trước giá đã sụt giảm còn khoảng 104 USD/thùng.


Theo công ty giao dịch dầu thô độc lập lớn nhất thế giới Vitol đến từ Hà Lan, mức sụt giảm của giá dầu không phản ánh đầy đủ nguy cơ gián đoạn đối với xuất khẩu của Nga hay khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 của Trung Quốc.


Chỉ trong thời gian ngắn sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine giá dầu Brent đã tăng lên tới gần 140 USD/thùng hồi đầu tháng 3. Tuy nhiên, giá đã sụt giảm 13% vào tuần trước xuống còn khoảng 104 USD/thùng. Nguyên nhân do nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã tuyên bố giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược nhằm kiểm soát giá nhiên liệu trong khi nền kinh tế lớn thứ hai là Trung Quốc thực hiện phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.


Các thương nhân, bên vận chuyển hàng hóa, công ty bảo hiểm và ngân hàng đang tỏ ra thận trọng trong việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong bối cảnh các chính phủ phương Tây áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến xung đột quân sự.


Ông Mike Muller, người đứng đầu các hoạt động của hãng Vitol tại châu Á, cho biết qua một podcast hôm 3/4 được sản xuất bởi công ty tư vấn Gulf Intelligence đặt trụ sở tại Dubai: “Giá dầu đang thấp hơn mức mà hầu hết mọi người dự đoán. Giá dầu có thể gia tăng do nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga".


Theo ông Muller, dòng chảy dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga có thể giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày đến 3 triệu thùng/ngày trong quý III. Nước này thường ghi nhận xuất khẩu ở mức khoảng 7,5 triệu thùng/ngày. Vào năm ngoái, công ty Vitol đã giao dịch tổng cộng 7,6 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỗi ngày, đạt doanh thu 279 tỷ USD.

Giắc bơm tại mỏ dầu Belridge ở California, Mỹ. Ảnh: Getty Images.


Ông Muller, chuyên gia tại công ty năng lượng Vitol, nhận định chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế trước Đại hội Đảng vào cuối năm nay. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu của Trung Quốc, vốn là nhà nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.


Ông nói: “Trung Quốc sẽ cố gắng để đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Chúng ta sẽ chứng kiến Trung Quốc nỗ lực chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nền kinh tế”.


Theo ông Muller, khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, hay còn có tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được khôi phục vào những tháng tới là ở mức thấp.


JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới. Theo JCPOA, Iran sẽ hạn chế hoạt động của chương trình hạt nhân để đổi lại Mỹ và phương Tây gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, vào năm 2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.


Nếu JCPOA được khôi phục sẽ giúp cho Iran có thể tăng cường sản xuất dầu. Tuy nhiên, vào cuối tháng trước các quan chức Mỹ cho biết không "sắp xảy ra” một hiệp ước, trong khi phía Iran cũng đưa ra những bình luận tương tự. Ông Muller nhận định: “Mọi người đều mong đợi sự trở lại của nguồn cung cấp từ Iran. Nhưng hiện tại không ai tin rằng điều đó sẽ xảy ra trong quý II" .


Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CFR)

Chia sẻ Facebook